Thứ sáu 24/01/2025 13:56
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong:

Hà Nội sẵn sàng thí điểm các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại Hội thảo Văn hóa 2022, diễn ra ngày 17/12, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: Hà Nội sẵn sàng là địa phương thí điểm các chính sách về văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, trên cơ sở đó làm tiền đề rút kinh nghiệm nhân rộng ra cả nước.
Hà Nội sẵn sàng thí điểm các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tham luận tại Hội thảo văn hóa 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, diễn ra ngày 17/12.

Ngày 17/6/1999 Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng. Sau 20 năm, ngày 30/10/2019, Thành phố Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO” với mục tiêu lấy Nguồn lực văn hóa và Sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Sự kiện này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế; là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô Hà Nội có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người, đồng thời quyết tâm chuyển hóa cho nguồn lực ấy thành “sức mạnh mềm” văn hóa, đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Là nơi gặp gỡ Đông - Tây, Hà Nội là TP của sự đa dạng, có lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật với 5.922 di tích lịch sử văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Hệ thống di sản văn hóa phong phú là những tài sản vô giá để Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và tài nguyên du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến, thành phố Sáng tạo đến bạn bè quốc tế.

Hà Nội sẵn sàng thí điểm các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa
Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” được xem là một sản phẩm tiêu biểu của trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công thu hút đông đảo khách quốc tế tham gia khẳng định thương hiệu và vị thế của Thủ đô, như Lễ hội âm nhạc Gió mùa, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội - HANIFF, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”. Trước khi Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo về thiết kế, Hà Nội đã và tiếp tục triển khai nhiều chương trình, dự án lớn trong lĩnh vực sáng tạo thiết kế, phục vụ đời sống văn hóa của người dân. Điển hình như Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Không gian bích họa Phùng Hưng; dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam; Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội; Không gian văn hóa Phố sách… Những không gian văn hóa này đang tiếp tục đi tìm sức sống, sức sáng tạo mới cho cộng đồng.

Hà Nội còn là nơi hội tụ tinh hoa nghề thủ công truyền thống của cả nước với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề. Mạng lưới làng nghề thủ công rộng khắp cùng hàng trăm nghệ nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng cùng cộng đồng thợ giỏi và rất nhiều nhà sáng tạo trẻ đã đưa Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong xã hội, nơi tôn vinh văn hóa Việt, đưa các sản phẩm thủ công truyền thống ra thị trường quốc tế.

Hà Nội cũng tự tin với tỷ lệ dân số vàng, có một cộng đồng sáng tạo mới mẻ, phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà khoa học, các không gian sáng tạo và hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo và công nghiệp văn hóa, đây chính là thế mạnh của thành phố trong kết nối quốc tế dựa trên sự sáng tạo gắn với công nghệ số. Phương thức quản trị hệ thống, các sáng kiến trong xây dựng chính quyền điện tử nhằm bảo tồn tự nhiên, phát huy di sản văn hóa dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ đang truyền năng lượng sáng tạo mạnh mẽ đến các công dân thành phố.

Trong lĩnh vực văn hóa ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách mới hình thành nên môi trường để phát huy có hiệu quả các nguồn lực văn hóa để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: Với những thay đổi tích cực về chính sách, công nghiệp văn hóa công nghiệp sáng tạo của Thủ đô đã từng bước có sự chuyển động tích cực. Năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của TP). Tổng doanh thu trực tiếp từ làng nghề truyền thống và các làng có nghề của TP Hà Nội đạt khoảng 983,5 triệu USD năm 2018 với tổng số gần 1 triệu lao động trực tiếp; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt 192 triệu USD (chiếm tỷ trọng 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP). Năm 2019 Hà Nội đón gần 29 triệu lượt khách tham quan, bằng 1/3 lượng khách du lịch của cả nước. Hà Nội luôn ở trong danh sách bình chọn của Tổ chức du lịch thế giới cho các điểm đến hàng đầu của châu Á và thế giới. Giai đoạn 2015-2020 cơ cấu kinh tế của TP đang chuyển dịch theo hướng gia tăng nhanh ngành dịch vụ từ 57,2%/năm lên tới 64,1%. GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010.

Hà Nội ngày càng trẻ trung, hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, trở thành một trong những TP năng động nhất trên thế giới (năm 2019) theo chỉ số tăng trưởng thành phố (CMI) do Jones Lang LaSalle (JLL) thực hiện. Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã định hướng nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong đó có nhấn mạnh đến nội dung “Triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tưu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.

Đây là cơ sở quan trọng để Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - Một trong hai Nghị quyết chuyên đề được xác định trong cả nhiệm kỳ. Đây được coi là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện chất lượng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân Thủ đô, thu hẹp dần khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng của Thủ đô, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của TP.

Mục tiêu chung được TP Hà Nội xác định là: Tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phấn đấu có mức đóng góp 5% GRDP của Thành phố; đến năm 2030 đóng góp khoảng 8% GRDP của TP và đến năm 2045 đóng góp khoảng 10% GRDP của TP.

Từ nhận thức tới hành động, phát huy tiềm năng thế mạnh của mình thiết lập Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo trong tương lai còn nhiều khó khăn, thách thức đó là: Nhận thức văn hóa là động lực, nguồn lực quan trọng cho phát triển, nhất là phát triển bền vững của Thủ đô, cũng như về công nghiệp văn hóa của một số cấp, ngành, đơn vị còn hạn chế. Việc đầu tư, khơi thông nguồn lực văn hóa cho phát triển kinh tế - xã hội còn chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở hạ tầng cho công nghiệp văn hóa thiếu đồng bộ. Sự tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác thế mạnh văn hóa chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; cơ chế và các chính sách đặc thù, ưu tiên cho sáng tạo văn hóa chưa hoàn thiện. Thiếu sự phối hợp, liên kết đồng bộ hiệu quả, liên ngành giữa các lĩnh vực khác nhau có liên quan. Giáo dục, đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực văn hóa và công nghiệp văn hóa chưa được quan tâm đúng mức và chưa theo kịp sự tiến bộ, phát triển chung của khu vực và thế giới. Việc triển khai thực hiện các cam kết với UNESCO về “Thành phố sáng tạo” chưa được tập trung đẩy mạnh. Tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra; thị trường văn hoá phát triển chưa đồng bộ; chịu sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19…

Để trở thành một trong 3 trung tâm hàng đầu của cả nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu “Thành phố Sáng tạo”, Phó Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện với 6 quan điểm: Thứ nhất, phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng; Thứ hai, phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; Thứ ba, phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”; Thứ tư, quá trình phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, phát huy cao nhất lợi thế của Thủ đô; Thứ năm, đảm bảo kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển; Thứ sáu, hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa để huy động, đầu tư, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô vừa bao trùm, đặc sắc, vừa bền vững, hiện đại.

Tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đươc nhấn mạnh trong Nghị quyết để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cụ thể là: 1. Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; 2. Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới; 3. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô; 4. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước; 5. Phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, chú trọng khu vực có tiềm năng, lợi thế; 6. Thu hút và hỗ trợ đầu tư; 7. Mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa; 8. Triển khai thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết khi Hà Nội tham gia Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã đề xuất Nhà nước cần có chính sách đầu tư xây dựng về quản trị tư, đặc biệt là thiết chế văn hóa. Tiếp đến cần có quy hoạch tổng thể về văn hóa và công nghiệp văn hóa của cả nước để việc điều tiết quản lý và phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng lĩnh vực, tránh câu chuyện cùng một lúc rất nhiều địa phương tổ chức lễ hội cùng nhau, như vậy sẽ mang tính cạnh tranh và triệt tiêu lẫn nhau. Tiếp đến Hà Nội mong muốn có chính sách để phát triển các loại quỹ về văn hóa của cả công và của cả tư. Hà Nội xin sẵn sàng là địa phương thí điểm các chính sách về văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, trên cơ sở đó là tiền đề rút kinh nghiệm nhân rộng ra cả nước.

Xây dựng, vận hành cơ chế chính sách đặc thù
Cần chính sách đặc thù cho phát triển văn hóa và bảo tồn di sản
Hà Nội triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội
Hà Nội: Cam kết luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực
Lại Tấn - Linh Anh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động