Thứ bảy 24/05/2025 09:33
Luật Thủ đô 2024

Bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị di sản

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa, với nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, đậm nét văn hóa truyền thống. Thời gian qua, nhiều di tích đã được đầu tư tu bổ, phát huy giá trị, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, không ít công trình vẫn trong tình trạng xuống cấp, thậm chí đứng trước nguy cơ mai một. Việc bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị di sản vì thế đang là mối quan tâm lớn, được thể hiện rõ trong Luật Thủ đô 2024.
Phát triển văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở huyện Thạch Thất. Ảnh: N.M
Phát triển văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở huyện Thạch Thất. Ảnh: N.M

Phát triển công nghiệp văn hóa

Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa, với gần 6.000 di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó có 16 di tích, cụm di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt và gần 1.200 di tích cấp quốc gia. Trên cơ sở khung chính sách phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa của Trung ương, TP đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, quyết định quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản.

Đáng chú ý, ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về công nghiệp văn hóa ở cấp địa phương trên toàn quốc, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô. Nghị quyết đặt mục tiêu kép: vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa phát triển công nghiệp văn hóa, đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cùng với việc nhiều quy định pháp luật mới được ban hành như: Luật Kiến trúc (2019), Luật Di sản văn hóa (2024), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, đặc biệt là Luật Thủ đô 2024, Hà Nội đang đứng trước những yêu cầu cấp thiết mới trong công tác bảo tồn di sản. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “nhất thể hóa” danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần ưu tiên nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị. Đây được xem là cơ chế đặc thù, giúp Hà Nội bảo tồn hiệu quả di sản văn hóa, lịch sử trong đời sống đương đại, từng bước hiện thực hóa mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phát triển Thủ đô đến năm 2045.

Tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 22 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa. Nghị quyết cũng xác định danh mục các ô phố, tuyến phố đặc trưng có giá trị lịch sử, văn hóa và danh mục công trình kiến trúc cần phục hồi, bảo tồn.

Về di sản văn hóa vật thể, danh mục di tích tiêu biểu do UBND TP Hà Nội quản lý gồm 10 di tích trọng điểm: khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích tưởng niệm Bác Hồ tại Vạn Phúc, di tích Nhà tù Hỏa Lò, di tích 48 Hàng Ngang, di tích số 5 Hàm Long, di tích 90 Thợ Nhuộm, cụm di tích hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn - tượng đài Vua Lê, di tích đền Bà Kiệu và khu di tích Cổ Loa.

Ngoài ra, danh mục di tích quốc gia đặc biệt gồm 22 di tích; danh mục di tích xếp hạng cấp quốc gia có 1.164 di tích; cấp TP là 1.600 di tích. Danh mục di tích cách mạng kháng chiến gồm 46 di tích; địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng - kháng chiến có 354 điểm. Riêng danh mục bảo vật quốc gia đã được công nhận hiện có 34 hiện vật.

Di sản Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Di sản Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Hành lang pháp lý trong phát triển, phát huy các giá trị văn hóa

Trong lĩnh vực văn hóa, Luật Thủ đô 2024 tạo thêm hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù vượt trội để Hà Nội có điều kiện thuận lợi phát triển nhanh, bền vững.

Về di sản văn hóa phi vật thể, theo Nghị quyết mới được HĐND TP Hà Nội thông qua, TP hiện có 6 di sản được UNESCO ghi danh. Ngoài ra, 42 di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hà Nội cũng xác lập danh mục 182 làng nghề, 54 làng nghề truyền thống và 7 nghề truyền thống tiêu biểu cần được ưu tiên bảo tồn và phát triển.

Đối với không gian kiến trúc - đô thị, Nghị quyết đã ban hành danh mục các ô phố, tuyến phố đặc trưng có giá trị văn hóa, lịch sử. Cụ thể, khu phố cổ Hà Nội được chia thành hai cấp độ bảo vệ, tôn tạo: cấp I gồm 21 tuyến phố; cấp II gồm 40 tuyến phố. Ngoài ra, danh mục công trình kiến trúc có giá trị cũng được xác lập rõ ràng: 222 biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 xếp nhóm 1 và 356 biệt thự xếp nhóm 2; 40 công trình kiến trúc công cộng có giá trị đặc biệt và 21 công trình có giá trị đáng chú ý. Đáng chú ý, Nghị quyết cũng nêu rõ cơ chế bảo đảm nguồn lực thực hiện. Theo đó, nguồn kinh phí được huy động từ hoạt động vận hành, khai thác du lịch tại các khu vực di sản; từ ngân sách Nhà nước, quỹ tài trợ, xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.

TS Phạm Văn Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, những quy định về xây dựng, phát triển, bảo vệ và quản lý Thủ đô tại Chương III Luật Thủ đô 2024 là hành lang pháp lý thuận lợi trong việc xây dựng quy hoạch, kiến trúc; khắc phục những bất cập của thực tiễn trong xây dựng và phát triển Thủ đô, trong đó có phát triển, phát huy các giá trị văn hóa. Cùng với đó, tại Chương III cũng quy định về khu vực nội đô lịch sử, quản lý sử dụng không gian ngầm, bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử... Quy định trong Luật Thủ đô 2024 được xem là động lực mới thúc đẩy việc xây dựng và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến của Hà Nội trở thành những giá trị đặc sắc, đại diện cho hồn cốt dân tộc, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, di sản văn hóa - nhân văn là loại tài nguyên đặc biệt, đóng vai trò chiến lược trong định hướng phát triển Thủ đô, sánh ngang với tài nguyên thiên nhiên hay tiềm lực kinh tế - xã hội. Ông nhấn mạnh: “Di sản là vốn liếng vật chất và tinh thần, tích tụ và hiện hữu, vừa là nền tảng, là yếu tố cấu thành, vừa là dòng chảy bắt buộc phải khơi mở để phát triển bền vững”. Từ góc nhìn đó, ông kiến nghị Hà Nội nên lựa chọn mô hình phát triển “thâm canh” - sâu, gọn, chất lượng và bền vững - để tiếp nối và phát huy gia tài văn hóa sẵn có, đảm bảo sự phát triển thịnh vượng trong tương lai.

Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong phát triển công nghiệp văn hóa. Để thúc đẩy liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, cần xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa có quy mô vùng, gắn với các sản phẩm đặc trưng như tham quan, nghiên cứu di sản văn hóa, phố cổ, làng nghề, làng Việt cổ, ẩm thực... gắn với các giá trị văn minh sông Hồng. Hà Nội cần phối hợp với các tỉnh lân cận như: Hưng Yên, Bắc Ninh tổ chức các sự kiện nghệ thuật có quy mô và tầm cỡ quốc tế như concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" diễn ra tại Hưng Yên vào tháng 11/2024. Các sự kiện này là cơ hội quý giá để quảng bá du lịch cho Hà Nội và các tỉnh. Đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng của các dịch vụ ăn theo như ẩm thực, thời trang, vận tải, khách sạn...

PGS.TS Đặng Hoài Giang - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Hà Nội ban hành danh mục các di tích, công trình, tuyến phố đặc trưng cần phục hồi, bảo vệ
Triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tinh hoa dân tộc, tầm vóc thời đại
Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Hà Nội
Minh Trần
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động