Thứ tư 28/05/2025 04:29
Mạch nguồn khoa bảng đất Thăng Long

Kỳ 3: Hương ước, học điền và thiết chế học vấn làng xã Thăng Long

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Truyền thống khoa bảng Thăng Long – Hà Nội không chỉ được hun đúc từ vị trí địa lý thuận lợi hay sự hiện diện của Quốc Tử Giám, mà còn bắt nguồn từ chính nền nếp học vấn ở mỗi làng quê. Trong lòng các làng khoa bảng, những thiết chế giáo dục như hương ước trọng học, học điền, văn chỉ và nhà thờ dòng họ không chỉ phản ánh tư tưởng giáo dục tiến bộ mà còn tạo nên một hệ sinh thái học thuật đặc sắc, lan tỏa giá trị từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Kỳ 3: Hương ước, học điền và thiết chế học vấn làng xã Thăng Long
Ông Nguyễn Xuân Nguyên (Đại diện dòng họ Nguyễn Xuân - Tả Thanh Oai) chia sẻ về hương ước và bản đồ làng Tả Thanh Oai cổ do cụ Ngô Thì Nhậm vẽ.

Hương ước và luật học – những điều khoản nuôi dưỡng sĩ tử

Theo tài liệu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nhiều hương ước tại các làng ven Thăng Long quy định cụ thể về chế độ khen thưởng người đỗ đạt bằng lễ rước về làng vinh quy bái tổ, tổ chức ăn mừng công khai. Một số làng còn đặt ra các khoản tiền thưởng, vật phẩm cho tân khoa và gia đình họ.

Tại Đông Ngạc, hương ước quy định rõ việc tổ chức đón rước sĩ tử về làng sau mỗi kỳ thi, cùng nghi lễ tế lễ tại văn chỉ nhằm khích lệ tinh thần học tập trong dân. Tại Tả Thanh Oai, người đỗ tiến sĩ sẽ được rước kiệu vinh quy, đồng thời gia đình họ phải tổ chức lễ tế thầy, cảm tạ làng xóm. Trong khi đó, ở Phú Thị nơi sinh trạng nguyên Nguyễn Thiến làng quy định tổ chức hội làng gắn với lễ vinh danh sĩ tử, tạo ra bầu không khí lễ trọng học quý tài chung cho cộng đồng.

Ông Phan Quốc Bảo (Trưởng tộc họ Phan làng Đông Ngạc) kể lại: “Ngày xưa, con đường học là để làm quan và học để làm người. Các cụ dạy rằng: "Học để thành nhân, học để thành danh". Ở làng Đông Ngạc, có truyền thống, dù anh có làm quan to đến đâu, cũng phải về vọng làng thì dân làng mới công nhận. Câu đối trong đình làng có ghi rõ: “Vô vọng bất thành quan”. Đó không chỉ là một nghi lễ, mà là tinh thần gắn bó với cội nguồn”.

Học điền – chính sách giáo dục cộng đồng tiên tiến từ lòng dân

Học điền là mô hình đặc biệt chỉ xuất hiện ở các làng có truyền thống trọng học. Đây là hình thức người dân tự nguyện góp ruộng công để lấy hoa lợi nuôi thầy, giúp trò và thưởng sĩ tử đỗ đạt. Theo thống kê chưa đầy đủ của Viện Sử học, tính riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ giai đoạn thế kỷ XVII – XIX đã có hơn 100 làng có hình thức học điền hoặc học phí tương đương, trong đó Hà Nội chiếm tỷ lệ đáng kể.

Làng Tả Thanh Oai được xem là hình mẫu tiêu biểu với cơ chế này. Để có sự thành đạt về khoa bảng, làng Tả Thanh Oai chế độ khuyến học thoả đáng. Làng dành 40 mẫu ruộng để làm học điền. Những người đỗ đạt được trọng vọng. Trong tâm thức của người làng, thế đất của làng phát đạt về mặt học hành nên có ý thức với việc học. Cuốn Lư sử điển yếu điều lệ (soạn năm 1791), viết: “Làng Tả Thanh Oai đất do sông Tô dẫn mạch, miếu do sông Nhuệ bồi cơ, danh đăng khoa giáp, thế phiết thi thư,quý mà không phú,phần nhiều là sĩ dân sính về đường học, coi là việc hàng đầu...".

Tại Đông Ngạc, học điền phần lớn là do các dòng họ lớn hiến tặng. Gia đình có người đỗ đạt sẽ lập quỹ học trò, ghi vào gia phả và nhắc nhở con cháu duy trì. Các giáp trong làng còn quy định: cứ 3 năm tổ chức khảo khóa một lần để đánh giá trình độ học trò, lấy đó làm căn cứ phân công tài nguyên học điền.

Ông Phan Quốc Bảo chia sẻ thêm: “Xưa kia, ở làng Đông Ngạc hay Kẻ Vẽ, đặc thù là ruộng đất công điền ít hơn tư điền. Chính vì thế nên việc góp ruộng xưa kia chủ yếu thực hiện nên bởi sự đóng góp tư nhân, một phần hoa lợi này cũng dùng để cho việc học hành”.

Ông Ngô Văn Lưu (đại diện dòng họ Ngô Thì) cũng nói thêm: “Đặc trưng vùng Tả Thanh Oai xưa có diện tích ruộng đất rất lớn, đó là phần lộc từ thời bà chúa Hến là thứ phi của vua Lê Hoàn. Một phần hoa lợi thu hoạch từ diện tích rộng lớn đó được quy đổi quân lương, một phần quân lương đó sau cũng dùng cho học hành tại làng”.

Một số làng như Hạ Yên Quyết và Chi Nê có hình thức tương tự ruộng văn chỉ hoặc ruộng "lộc học", được dùng để trang trải cho các hoạt động giáo dục tại địa phương. Các vị kỳ mục làng sẽ thay nhau quản lý, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các giáp, các dòng họ.

Ông Hoàng Minh Khoa (hậu duệ dòng họ Hoàng làng Hạ Yên Quyết) chia sẻ, để khuyến khích người đi học, làng đặt quy định về ruộng học điền: “Đặt ruộng Quan điền là 6 đoạn 3 mẫu. Số ruộng này là ruộng bản xã dùng để khuyến học. Những người thi đỗ Từ trường thì được kính biếu ruộng này” và bố cáo đến toàn thể dân làng: “Lệ khuyến học đã có từ lâu, người đời sau phải noi theo và giữ gìn làm quy chuẩn. Chiếu theo thức bậc khoa trường, làm quan Chính thức (trưởng), tuỳ theo phẩm hàm được nhập học điền cầy cấy. Còn những người làm quan Thứ chức (phó), quan tạp lưu, tuy có phẩm hàm cao nhưng nhất thiết không được dự vào. Nếu cậy thanh thế, canh tác sai lệ, mọi người trong bản xã trên dưới đánh trống đuổi đi, để tôn trọng đạo học đẹp đẽ dân tục”.

Kỳ 3: Hương ước, học điền và thiết chế học vấn làng xã Thăng Long
Ông Phan Quốc Bảo (Trưởng tộc họ Phan - Đông Ngạc) chia sẻ những chiếc giấy khen về phong trào khuyến học của dòng họ.

Văn chỉ, nhà thờ họ và không gian học đường truyền thống

Song hành cùng hương ước và học điền, hệ thống văn chỉ, nhà thờ họ, các lớp học tại tư gia là những thiết chế học thuật gắn bó mật thiết với đời sống làng xã. Văn chỉ là nơi thờ Khổng Tử và các bậc hiền nho. Tại Đông Ngạc, Tả Thanh Oai hay Nguyệt Áng, văn chỉ thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong làng, gần đình hoặc gần giếng nước đầu làng. Mỗi dịp xuân về, lễ tế văn chỉ được tổ chức long trọng, có đủ phần rước, tế và đọc văn khuyến học. Một số văn chỉ như tại Đông Ngạc còn lưu giữ được bia đá, khắc tên các tiến sĩ và nội dung khen thưởng.

Nhà thờ dòng họ là không gian vừa mang tính tín ngưỡng, vừa mang tính giáo dục. Các dòng họ khoa bảng như họ Ngô, Nguyễn Khai Khoa (Tả Thanh Oai), họ Phan, họ Đỗ (Đông Ngạc), họ Nguyễn (Chi Nê, Hạ Yên Quyết)… đều xây dựng nhà thờ tổ khang trang, trong đó có bàn thờ riêng cho những người đỗ đạt. Nhiều nhà thờ lưu giữ được gia huấn bằng chữ Hán, văn bia ghi công người khai khoa, những quy định giáo dục riêng cho con cháu họ tộc.

Các lớp học gia đình, lớp học tư thục cũng đóng vai trò quan trọng. Thầy đồ thường được mời về dạy tại nhà thờ họ hoặc nhà riêng, học trò chia theo giáp hoặc theo dòng tộc. Lớp học thường giản dị chỉ là căn nhà tranh hoặc gian bên nhà chính nhưng lại là nơi hun đúc nên biết bao nhân tài cho đất nước. Một số thầy đồ sau khi học ở Quốc Tử Giám hoặc tại phủ đệ của quan lại sẽ trở về quê dạy học như một cách báo đáp tổ tiên và đóng góp cho làng xã. Trong số đó, có thầy giáo Chu Văn An từng đỗ tới Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà trở về dạy học tại làng Tả Thanh Oai. Trong dòng họ Ngô Thì cũng có nhiều người đỗ đạt và trở về làm thầy đồ để dạy học trong làng.

Phó chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai Phạm Hải Hậu cho biết, Trong 12 vị tiến sĩ của làng, nổi bật và tiêu biểu có Danh nhân văn hóa Ngô Thì Nhậm và cha là tiến sĩ Ngô Thì Sỹ đã được sử sách ghi danh lên tư liệu tương đối phong phú, còn 10 vị tiến sĩ khác sử cũ cũng như các sách Đăng Khoa Mục không ghi chép gì nhiều về cuộc đời và sự nghiệp của các cụ.

Hiện tại tại làng Tả Thanh Oai có các nhà thờ của các dòng họ có các cụ khoa bảng như Nhà thờ và Lăng mộ Danh nhân văn hóa Ngô Thì Nhậm, Nhà thờ họ Nguyễn Khai Khoa, Nhà thờ họ Nguyễn thế, Nhà thờ họ Ngô Vi. Đặc biệt năm 2011 từ nguồn xã hội hóa dân làng đã đóng góp để xây dựng Nhà Văn Chỉ, trong Nhà Văn Chỉ trưng bày 12 bài vị, ngoài sân bên tả có nhà bia che tấm bia đá khắc tên 12 vị tiến sĩ thời Nho học đặt trên lưng rùa để tôn vinh 12 cụ tiến sĩ. Ngoài ra tại di tích lịch sử Đình Hoa Xá còn lưu giữ được đôi ngựa đá của cụ Ngô Thì Nhậm cung tiến khi về Vinh quy bái tổ...

(Còn nữa)

Kỳ 1: Dòng chảy tri thức từ đất thiêng Kỳ 1: Dòng chảy tri thức từ đất thiêng

Mỗi độ Xuân về, sân Văn Miếu – Quốc Tử Giám lại rợp bóng áo trắng học trò. Không chỉ là di tích quốc gia ...

Kỳ 2: Những làng khoa bảng tiêu biểu đất Thăng Long Kỳ 2: Những làng khoa bảng tiêu biểu đất Thăng Long

Không chỉ ở nội đô kinh kỳ, truyền thống khoa bảng còn lan tỏa sâu rộng khắp các làng quê Thăng Long xưa. Từ Đông ...

Khánh Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động