Thứ sáu 24/01/2025 04:13
Kỳ lạ vụ án đường giao thông biến thành đất khai hoang ở Hòa Bình:

Kỳ cuối: Đường biến thành đất tư nhân là hợp pháp, có căn cứ?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bản án của TAND huyện Lương Sơn nhận định, việc xác lập QSD đất cho vợ chồng ông Sơn khi đất có nguồn gốc là một phần đường đi do Nhà nước quản lý là hợp pháp, có căn cứ?
Đất đứng tên vợ chồng bà Hòa trên giấy chứng nhận QSD đất vốn là đường của Nhà nước được TAND huyện Lương Sơn cho rằng có căn cứ. Ảnh: N.S.
Đất đứng tên vợ chồng bà Hòa trên giấy chứng nhận QSD đất vốn là đường của Nhà nước được TAND huyện Lương Sơn cho rằng có căn cứ. Ảnh: N.S.

UBND huyện Lương Sơn cấp giấy chứng nhận QSD đất chưa có cơ sở vững chắc

Trước việc TAND tỉnh Hòa Bình chỉ ra một loạt vi phạm về tố tụng của cấp sơ thẩm là TAND huyện Lương Sơn, ngày 20/9/2022 TAND huyện Lương Sơn tiến hành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự: “Tranh chấp quyền sử dụng đất và tháo dỡ công trình trên đất” giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Trần Thanh Sơn và bà Nguyễn Thị Hòa và bị đơn là ông Dương Quốc Vũ.

HĐXX đi đến quyết định, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Hòa và ông Trần Thanh Sơn. Buộc ông Dương Quốc Vũ phải tháo dỡ, di chuyển toàn bộ phần xây dựng trên đất để trả lại cho hộ bà Nguyễn Thị Hòa và ông Trần Thanh Sơn, diện tích đất là 149,9m2 tại thửa đất số 300 tờ bản đồ 39, địa chỉ xóm 4, thôn Hợp Thung, xã Thanh Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Bác yêu cầu của ông Dương Quốc Vũ về hủy giấy chứng nhận QSD đất mang tên Bà Nguyễn Thị Hòa và Ông Trần Thanh Sơn.

HĐXX cũng cho rằng ông Vũ đang chiếm hữu, sử dụng thửa đất tranh chấp.

Trước đó, tại Bản án số: 06/2020/DS-PT ngày 22/4/2020 của TAND tỉnh Hòa Bình đã chỉ rõ một loạt vi phạm về tố tụng của cấp sơ thẩm là TAND huyện Lương Sơn khi tiến hành xét xử vụ án tranh chấp đất giữa vợ chồng ông Sơn, bà Hòa với ông Vũ vào ngày 25/12/2019. TAND tỉnh Hòa Bình khẳng định: “Cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ nguồn gốc đất tranh chấp trước khi thu hồi của ông Thát để làm đường thì diện tích là bao nhiêu và sau khi làm đường thì diện tích còn lại bao nhiêu và chưa xác minh làm rõ thủ tục cấp giấy chứng nhận QSD đất cho hộ gia đình bà Hoà đã đúng theo trình tự quy định của pháp luật hay chưa, Việc UBND huyện Lương Sơn cấp giấy chứng nhận QSD đất cho gia đình bà Hoà là chưa có cơ sở vững chắc”.

Phân tích sự việc, luật sư Hoàng Văn Doãn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Những tưởng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/9/2022, HĐXX sẽ làm rõ được nguồn gốc đất của gia đình bà Hòa, ông Sơn nhưng thực tế cho thấy phiên tòa không làm rõ được điều này. Theo lời khai của bà Hòa, thửa đất vợ chồng bà đang sử dụng vốn trước đây nằm trong diện tích đất khai hoang của cụ Trần Ngọc Thát là bố đẻ của ông Trần Thanh Sơn. Tuy nhiên, HĐXX không làm rõ được thời điểm cụ Thát khai hoang thì thửa đất có diện tích cùng hình dáng và mốc giới cụ thể của thửa đất ra sao?

Bản án của TAND huyện Lương Sơn thể hiện đất do ông Sơn, bà Hòa được UBND huyện Lương Sơn cấp giấy chứng nhận QSD đất có diện tích 149,9m2 tại thửa đất số 300 tờ bản đồ 39 địa chỉ xóm 4, thôn Hợp Thung, xã Thanh Sơn, huyện Lương Sơn. Điều này tưởng quy trình về nguồn gốc đất rất minh bạch, thực tế lại cho thấy số thửa đất và tờ bản đồ chỉ hình thành vào năm 2015, còn trước đó ai sử dụng thì không rõ.

Đất bà Hòa cho rằng có nguồn gốc do cụ Thát khai hoang nhưng HĐXX không làm rõ được đất này được cụ Thát cho ông Sơn hay vẫn còn liên quan đến quyền lợi về tài sản giữa vợ và những người con khác cụ Thát”.

Đường đi biến thành đất tư nhân

Luật sư Doãn cho rằng, việc HĐXX nhận định ông Vũ đang chiếm hữu, sử dụng thửa đất tranh chấp là chưa chính xác. Bản chất của ông Vũ không muốn chiếm hữu, không muốn tranh chấp, bằng chứng là việc năm 2009 ông ký hợp đồng thuê đất có thời hạn với lãnh đạo thôn Hợp Thung để minh bạch cho việc sinh sống và sản xuất trên thửa đất này. Hết năm 2025, kết thúc hợp đồng ông Vũ và gia đình sẽ tiến hành trả đất.

Việc ông tiến hành làm thủ tục kháng cáo bản án của cấp sơ thẩm là TAND huyện Lương Sơn tới cấp phúc thẩm là TAND tỉnh Hòa Bình là muốn làm minh bạch về nguồn gốc đất, không muốn đất do Nhà nước quản lý bị biến thành đất của tư nhân. Ông Vũ thuê đất năm 2010 nhưng TAND huyện Lương Sơn lại áp dụng Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP năm 2014 để bác bỏ việc cho thuê đất là nhận định chưa toàn diện, khách quan.

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn Khiên, Trưởng thôn Hợp Thung, xã Thanh Sơn cung cấp thông tin, diện tích đất hiện đứng tên giấy chứng nhận QSD đất của vợ chồng ông Sơn vốn trước đây là lòng đường giao thông. Năm 2006 do Nhà nước làm tuyến đường mới cạnh đó nên có nắn lại đường cho thẳng, vì vậy phần diện tích lòng đường này không nằm trong trục đường mới, không ai sử dụng, vẫn do Nhà nước quản lý.

Bản án số 20/2022/DSST, ngày 20/9/2022 của TAND huyện Lương Sơn cho thấy, nhận định của tòa án đã thừa nhận sự thực rằng đất đứng tên vợ chồng ông Sơn, bà Hòa trên giấy chứng nhận QSD đất, hiện đang tranh chấp với ông Vũ có: “một phần đất của gia đình ông Thát, bố đẻ của anh Sơn canh tác và một phần đất Nhà nước nắn đường giao thông còn lại không sử dụng đến”. Vậy từ khi nào chính quyền xã, huyện hợp thức đất của Nhà nước thành đất của tư nhân cho vợ chồng ông Sơn cũng không được làm rõ. TAND huyện cho rằng, việc xác lập QSD thửa đất của hộ ông Sơn, bà Hòa là: “hợp pháp, có căn cứ pháp luật”.

Cung cấp thông tin trước TAND huyện Lương Sơn cũng như trong buổi làm việc với PV, ông Bùi Văn Châu, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn khẳng định, toàn bộ tài liệu gốc liên quan đến nguồn gốc đất thửa đất của ông Sơn, bà Hòa hiện không còn.

Kỳ 1: Vi phạm nghiêm trọng tố tụng?
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động