Kỳ cuối: không gian văn hóa cộng đồng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDiện mạo khang trang, sạch sẽ của vườn hoa Ngọc Lâm sau cải tạo, sửa chữa tháng 5/2023. Ảnh: Mộc Miên |
Điểm đến vui chơi cộng đồng cho người dân
Theo Kế hoạch số 332/KH-UBND về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025, vườn hoa Ngọc Lâm (quận Long Biên) thuộc danh sách cải tạo, nâng cấp, sửa chữa theo mức độ 2.
Thực hiện phân cấp quản lý từ nguồn ngân sách của quận, từ tháng 1/2023, vườn hoa Ngọc Lâm được UBND quận Long Biên tiến hành chỉnh trang, cải tạo với tổng mức đầu tư 13,8 tỷ đồng. Dự án có tổng diện tích khoảng hơn 24.130m2, hạng mục đầu tư bao gồm: cải tạo hệ thống đường dạo diện tích hơn 1.300m2, sân chơi trẻ em diện tích gần 1.800m2, quảng trường sân tập trung diện tích 1.750m2, cải tạo cây xanh, lắp đặt thiết bị vui chơi thể thao, hệ thống đèn chiếu sáng…
Sau 4 tháng thi công, tháng 5/2023, công trình chính thức khánh thành và được chọn gắn biển 20 năm thành lập quận Long Biên (6/11/2003 - 6/11/2023). NHờ được đầu tư đồng bộ với các phân khu văn hóa, thể thao, vui chơi đa năng, thiết bị thể thao ngoài trời, công trình cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân. Thông thường, mỗi buổi sáng hay xế chiều, vườn hoa Ngọc Lâm thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao.
Ghi nhận vào 16h30 ngày 19/4/2024 tại vườn hoa Ngọc Lâm không khí sôi động của nhiều hoạt động văn hóa. Đó là hình ảnh các cụ già thảnh thơi ngồi ghế đá hóng mát, trò chuyện, một số bác lớn tuổi tập luyện thể thao từ thiết bị thể thao, hình ảnh người dân chạy bộ trên đường dạo, sôi nổi hoạt động đá bóng, cầu lông…
Theo bác Nguyễn Văn Hùng (75 tuổi, trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội), từ ngày vườn hoa Ngọc Lâm được cải tạo, sửa chữa cảnh quan khang trang, sạch đẹp, người dân đến vui chơi đông đúc hơn. Việc phân cấp đơn vị chủ đầu tư là UBND quận Long Biên và UBND phường Ngọc Lâm là đơn vị quản lý, thực hiện công tác duy tu, bảo trì đảm bảo tính trách nhiệm rõ rệt. Trước đây, vườn hoa Ngọc Lâm rơi vào cảnh nhếch nhác, xuống cấp, tiềm ẩn các nguy cơ mất an ninh trật tự thì sau khi thực hiện cải tạo, nâng cấp, đảm bảo điều kiện cho người dân vui chơi, góp phần tạo mỹ quan đô thị.
Người dân thụ hưởng không gian văn hóa, giải trí thể thao tại vườn hoa Ngọc Lâm. Ảnh: Mộc Miên |
Quyết tâm làm “sống dậy” công viên, vườn hoa Hà Nội
Theo Kế hoạch 332-KH/UBND về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đến năm 2025, có 45 công viên, vườn hoa được cải tạo, sửa chữa theo mức độ khác nhau để duy trì ổn định cảnh quan, đồng bộ phục vụ người dân.
Sau khi được UBND TP Hà Nội giao phân cấp cho quận, huyện quản lý, làm chủ đầu tư các dự án cải tạo, đến nay, về cơ bản các quận đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai phù hợp với thực tế từng địa phương.
Báo cáo về công tác bàn giao, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, trong danh sách 41/45 công trình, vườn hoa do các quận thực hiện, các quận đã hoàn thành cải tạo 14 vườn hoa (đạt khoảng 31% kế hoạch). Trong năm 2024, các quận tiếp tục hoàn thành 16 công viên, vườn hoa (dự kiến đạt khoảng 67% kế hoạch). Đến năm 2025 dự kiến hoàn thành nốt 11 công viên, vườn hoa đạt khoảng 91% kế hoạch.
Thông tin về hiện trạng các công trình công viên thuộc phân cấp TP quản lý gồm: công viên Thủ Lệ, công viên Thống Nhất, công viên Bách Thảo, công viên Hòa Bình, thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp hoàn thiện quy hoạch, nghiên cứu triển khai dự án xây mới.
Trong đó, công viên Thủ Lệ được UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo Cty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội khẩn trương phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết làm cơ sở triển khai dự án.
Với công viên Thống Nhất, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo Cty TNHH MTV công viên Thống Nhất khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan sớm hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 làm cơ sở triển khai dự án.
Riêng công viên Bách Thảo, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo quận Ba Đình khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện quy hoạch chi tiết theo quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tham mưu UBND TP việc giao nhiệm vụ và hướng dẫn quận Ba Đình điều chỉnh chủ trương đầu tư. Với công viên Hòa Bình, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện công tác sửa chữa, cải tạo bằng ngân sách của quận theo quy định.
Tại Hội nghị giao ban quý 1/2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Thanh khẳng định việc cải tạo, chỉnh trang các công viên, vườn hoa là chủ trương lớn của Thành ủy Hà Nội, người dân đã được hưởng lợi từ chính sách của TP. Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động nguồn vốn để thực hiện việc cải tạo; nếu không tự cân đối được, cần khẩn trương báo cáo TP để bố trí vốn theo đúng quy định.
Trước tình trạng lấn chiếm diện tích khuôn viên để buôn bán, kinh doanh, trong nội dung Kế hoạch 332-KH/UBND cũng đã yêu cầu Sở Xây dựng đôn đốc đơn vị được giao quản lý trực tiếp công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ nghiên cứu, đề xuất thí điểm phương án kinh doanh, dịch vụ tiện ích phục vụ khách thăm quan công viên, đảm bảo thiết thực, tinh gọn, mỹ quan, văn minh, trật tự đô thị nhằm hạn chế hàng quán tự phát.
Với quyết tâm làm “sống dậy” công viên, vườn hoa Hà Nội, kỳ vọng sẽ tạo diện mạo mới, nâng tầm cảnh quan đô thị, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội “văn hiến, văn minh, hiện đại” trong mắt người dân và bạn bè quốc tế.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, đến nay cơ bản 41/45 công viên đã được giao cho các quận, huyện quản lý. Đối với các tượng đài, quan điểm chung của TP là sẽ giao nốt cho các quận, huyện để quản lý tốt hơn. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân sau khi các vườn hoa, công viên được giao về địa phương quản lý và tiến hành cải tạo, nâng cấp. Trong quá trình thực hiện, cần lưu ý các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cũng như tiến độ thực hiện. |
Kỳ 1: Khi hạ tầng công viên còn bất cập… | |
Kỳ 2: hàng quán kinh doanh bủa vây không gian xanh | |
Kỳ 3: Nghịch lý công viên nơi nhộn nhịp, nơi vắng khách | |
Kỳ 4: Vườn hoa, công viên được khoác áo mới |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại