Thứ năm 23/01/2025 02:34
Luật Thủ đô 2024

Kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai nhà ở xã hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chính sách đặc thù, mang tính vượt trội trong phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà cho người thu nhập thấp là một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Thủ đô 2024.
Phối cảnh dự án nhà ở xã hội UDIC EcoTower. Ảnh: N.S
Phối cảnh dự án nhà ở xã hội UDIC EcoTower. Ảnh: N.S

Giải pháp cho vấn đề nan giải

Theo Điều 29 Luật Thủ đô 2024, các chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội phải phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô; ưu tiên đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, các khu nhà ở, đặc biệt là các khu nhà ở xã hội độc lập theo hướng hiện đại, đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Thêm vào đó, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP được thực hiện các chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho phát triển phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp; nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được thực hiện đồng thời với việc lập đồ án quy hoạch chi tiết và lấy ý kiến cộng đồng dân cư, nhằm rút ngắn thời gian triển khai; việc thẩm định và phê duyệt các quy hoạch chi tiết phải được thực hiện trước khi phê duyệt đồ án quy hoạch, tạo cơ sở cho việc phát triển nhà ở xã hội.

Một điểm mới của Luật Thủ đô là quy định cho phép HĐND TP quyết định sử dụng ngân sách TP để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập. Việc cho phép thực hiện đồng thời nhiệm vụ quy hoạch chi tiết và đồ án quy hoạch chi tiết, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan, sẽ rút ngắn thời gian lập quy hoạch, giúp đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư nhà ở xã hội.

Sự phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô thể hiện rõ khi giao quyền cho HĐND TP quyết định sử dụng ngân sách TP đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập. Từ trước tới nay, đây là vấn đề nan giải với các dự án. Lợi nhuận của các chủ đầu tư từ dự án nhà ở xã hội bị khống chế để bảo đảm giá bán phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập thấp. Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ trong đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu thì rất khó để thu hút sự quan tâm đầu tư từ phía các DN.

Luật Thủ đô 2024 cũng quy định, HĐND TP được quyết định cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án phát triển nhà ở, nhà lưu trú bố trí cho người lao động làm việc tại khu công nghệ cao, khu công nghiệp trên địa bàn TP.

Để hiện thực hóa các quy định tại Điều 29 của Luật Thủ đô 2024, TP Hà Nội đã ban hành các kế hoạch và quyết định giao cho các sở, ngành tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể.

Liên tiếp đón các tin vui

Tập trung triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội được giao trong năm 2024; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

Chủ động bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và tổ chức giải phóng mặt bằng sạch để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội; tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm triển khai công khai minh bạch.

Những ngày cuối năm 2024, thị trường Hà Nội liên tiếp đón tin vui từ các dự án nhà ở xã hội khởi công, được cấp phép xây dựng. Như vậy, nguồn cung nhà ở xã hội sắp tới tăng, giấc mơ sở hữu nhà của người thu nhập thấp, thu nhập trung bình có thể trở nên dễ dàng hơn.

Điển hình, mới đây một số dự án nhà ở xã hội đã được khởi công ở Hà Nội như: dự án khu nhà ở xã hội xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội; dự án nhà ở xã hội tại ô đất NO1 khu đô thị Hạ Đình; chung cư cao tầng CT1 thuộc dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh và đấu nối hạ tầng khu vực, quận Long Biên…

Được biết, trong danh mục kế hoạch các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị (đợt 3) của Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 có 6 dự án nhà ở xã hội tại 4 quận, huyện gồm: các quận Ba Đình, Long Biên; các huyện Thanh Trì, Thạch Thất.

Đáng chú ý là những chính sách liên quan đến vấn đề phát triển hạ tầng giao thông của Thủ đô quy định tại Luật Thủ đô 2024 tác động đến phát triển nhà ở nói chung cũng như nhà ở xã hội với sự vượt trội về thể chế. Lần đầu tiên, định hướng phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được luật hóa. Không chỉ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tiến trình phát triển đô thị gắn với mô hình TOD mà còn đẩy mạnh sự kết nối của các khu vực, các vùng đô thị của Thủ đô thông qua phát triển TOD sẽ giúp Hà Nội giải được bài toán về nhà ở, trong đó có việc phát triển nhà ở xã hội.

Phát triển nhà ở xã hội tại vùng ven như những khu vực xung quanh vành đai 4, thậm chí sau này là vành đai 5, nơi có quỹ đất dồi dào, sẽ giúp cho Hà Nội tạo lập được quỹ nhà đủ lớn để cân đối cung-cầu. Khi đó, giá nhà của các dự án thương mại cũng sẽ được điều chỉnh về mức phù hợp hơn với nhu cầu, khả năng chi trả của người dân Thủ đô.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 130/CĐ-TTg ngày 10/12/2024, căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn TP để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Thủ tướng đôn đốc tập trung chỉ đạo, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội
Hà Nội: tháo gỡ kịp thời các vướng mắc để triển khai các dự án nhà ở xã hội
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động