Luật Thủ đô 2024 hướng tới xây dựng thành phố xanh, sạch đẹp, văn minh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Thủ đô 2024 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững. Ảnh: P.K |
Phân quyền cho Hà Nội các chính sách, biện pháp đặc thù, vượt trội
Hiện tổng dân số gần 9 triệu người, thu hút nhiều nguồn lao động đến sinh sống và làm việc. Trung bình mỗi ngày Hà Nội có khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt nhưng chỉ thu gom, xử lý đạt 80-85%. Số rác thải tồn đọng bị vứt đổ bừa bãi tại các kênh, mương, ao hồ hay các khu đất trống, ven trục đường giao thông... dẫn đến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm không khí gia tăng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia ô nhiễm không khí thứ hai trong khu vực Đông Nam Á và thứ 22 trên toàn thế giới, trong đó riêng Hà Nội xếp thứ 8 về mức độ ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Trung bình mỗi năm, người Hà Nội hít thở một lượng bụi mịn PM2.5 gấp 9 lần mức khuyến cáo an toàn cho sức khỏe của WHO.
Nguồn phát thải bụi chính của Thủ đô đến từ các phương tiện giao thông đường bộ và nguồn bụi đường, tiếp đến là nguồn công nghiệp và nguồn đốt rơm rạ. Ngoài ra còn có khí thải từ làng nghề, khói của quá trình đốt rơm rạ tàn phá môi trường không khí...
Hướng đến xây dựng hạ tầng đô thị xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững là việc làm không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Song, Luật Thủ đô 2024 đã có những cơ chế đột phá, vượt trội liên quan đến bảo vệ môi trường. Luât đi vào thực tiễn chắc chắn sẽ cải thiện được vấn đề ô nhiễm của Thủ đô Hà Nội hiện nay.
Tại khoản 1, Điều 28 quy định, quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.
Theo khoản 2, Điều 28 Hội đồng Nhân dân TP có trách nhiệm sau đây: a) Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp;
Quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch;
Quy định các biện pháp hỗ trợ việc di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, cơ sở sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề ở nông thôn;
Quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn Thành phố; quy định biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động xử lý, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng liên quan đến tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất.
Như vậy, điểm nổi bật là Luật đề ra giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch. Có các điều khoản hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, quy định vùng phát thải thấp (khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường).
Để bảo đảm Luật đi vào đời sống, Luật phân quyền cho Hội đồng Nhân dân TP quy định các chính sách, biện pháp đặc thù, vượt trội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Điển hình như quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp (điểm a khoản 2 Điều 28).
Quy định này nhằm giải quyết vướng mắc trong thực tế do pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể các biện pháp khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đầu tư cho các phương thức sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ có mức độ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô.
Đáng lưu ý, vấn đề giảm phát thải nhựa được quy định tại Điều 73 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới chỉ quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn. Luật Thủ đô 2024 đã quy định bổ sung các chế tài hiệu quả hơn để có thể giảm phát thải nhựa ngay từ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sinh hoạt; đề ra các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động xử lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng liên quan đến tái chế rác thải.
Người dân và chính quyền chung tay bảo vệ môi trường
Với mục tiêu hướng tới là đưa Hà Nội trở thành một trong những hình mẫu của đô thị xanh, thông minh, có bản sắc của một Thủ đô nghìn năm văn hiến, mọi dự án phát triển phải lấy tiêu chí xanh làm nền tảng. Cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 với phương châm “Thể chế thông thoáng - quản trị thông minh - nhận thức, tư tưởng thông suốt” với 3 “Quy” đồng bộ để tổ chức thực hiện hiệu quả “Quy hoạch chi tiết - Quy chế, quy trình - Quy chuẩn, tiêu chuẩn”.
Đồng thời đẩy mạnh ba chuyển đổi là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chia sẻ; ứng dụng công nghệ số; nghiên cứu để xây dựng tiêu chí xây dựng và ban hành các quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xây dựng “vùng phát thải thấp”; đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Hợp tác quốc tế là chìa khóa quan trọng để tiếp cận các kinh nghiệm quý báu và công nghệ tiên tiến từ những đô thị xanh hàng đầu thế giới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Theo bà Mai Thu Thủy, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội, Luật Thủ đô 2024 có những điều khoản quy định nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và chính quyền về việc bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng và trách nhiệm của công dân đối với môi trường sống.
Đây là điểm vô cùng quan trọng, vì bảo vệ môi trường không phải là nhiệm vụ của riêng các cấp chính quyền mà đòi hỏi có sự chung tay, chủ động tham gia của mỗi người dân mới có thể mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là cơ sở để huy động các nguồn lực xây dựng đô thị xanh, bền vững.
Nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội PGS.TS Vũ Thanh Ca nhìn nhận, Luật Thủ đô 2024 đã quy định một cách toàn diện về vấn đề môi trường, bao gồm các nội dung quản lý môi trường, xử phạt trong lĩnh vực môi trường, nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, để không khí sạch hơn, còn cần phải giảm nguồn thải bằng việc di dời các cơ sở công nghiệp và dịch vụ có phát thải ở mức độ nhất định ra khỏi nội đô. Cùng với đó là vấn đề ô nhiễm do phương tiện giao thông, chúng ta sử dụng quá nhiều phương tiện giao thông cá nhân nên lượng phát thải từ đây rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Muốn giảm thải, cải thiện chất lượng không khí thì phải giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng.
Luật Thủ đô 2024 đã quy định một cách toàn diện vấn đề trên, trong đó có việc xử phạt trong lĩnh vực môi trường, nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường. Để Luật Thủ đô 2024 đi vào đời sống thực chất, hiệu quả, Hà Nội phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, các chương trình ưu tiên hành động như rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí; giảm phát thải từ các nguồn chính như: giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp...
Thành phố cần phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm" cho các đơn vị liên quan. Chỉ có như vậy, tình trạng ô nhiễm không khí mới có thể giảm thiểu một cách hiệu quả, góp phần mang lại môi trường sống trong sạch, bền vững.
Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế văn hóa trên tinh thần giữ gìn bản sắc và đổi mới sáng tạo |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại