Mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe: cần biết gì để tránh “tiền mất tật mang”?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Ảnh minh họa |
Trước thực trạng này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra những khuyến cáo quan trọng nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện đúng sản phẩm và sử dụng một cách an toàn.
Trước hết, người dân cần hiểu rõ bản chất của thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đây là những sản phẩm có tác dụng bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày, hỗ trợ duy trì và cải thiện chức năng cơ thể, góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và hoàn toàn không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Khi có biểu hiện bệnh lý, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh tình trạng chậm trễ do chủ quan tin tưởng vào các sản phẩm quảng cáo trên mạng.
Một sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe hợp pháp phải được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thì mới đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu thông tin về các sản phẩm đã được cấp phép trên các cổng thông tin chính thức như vfa.gov.vn, dichvucong.moh.gov.vn và congkhaiyte.moh.gov.vn. Việc chủ động tra cứu sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc sản phẩm chưa được kiểm định.
Khi chọn mua sản phẩm, người dân cần quan sát kỹ nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ đối với hàng nhập khẩu. Trên bao bì phải thể hiện đầy đủ các thông tin như tên sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần và hàm lượng, hướng dẫn sử dụng và bảo quản, công dụng, đối tượng sử dụng và cách dùng, khuyến cáo về nguy cơ (nếu có).
Đồng thời, phải có cụm từ “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe” và lời cảnh báo bắt buộc: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có), tên và địa chỉ của đơn vị chịu trách nhiệm và cơ sở sản xuất cũng là những thông tin bắt buộc để xác thực nguồn gốc và độ tin cậy của sản phẩm.
Trong bối cảnh mạng xã hội là kênh quảng bá phổ biến cho thực phẩm chức năng, người tiêu dùng càng cần tỉnh táo trước các hình thức quảng cáo có dấu hiệu vi phạm. Các nội dung như “uống sản phẩm sẽ khỏi bệnh”, hoặc video có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu sản phẩm mà không kèm theo dòng chữ cảnh báo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” đều là hành vi quảng cáo sai quy định.
Những dấu hiệu vi phạm này đã được Cục An toàn thực phẩm hướng dẫn chi tiết trên trang thông tin điện tử sau đây
Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, nhận thức đúng về thực phẩm bảo vệ sức khỏe chính là bước đầu tiên để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Sử dụng đúng sản phẩm, đúng mục đích và đúng hướng dẫn, kết hợp với sự thận trọng trong tiếp nhận thông tin quảng cáo sẽ giúp người tiêu dùng tránh được những rủi ro không đáng có trong quá trình chăm sóc sức khỏe.
![]() | Không được mượn danh nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng |
![]() | Thu hồi sữa Hofumil Gold Plus sau cảnh báo sữa giả trên toàn quốc |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại