Thứ sáu 24/01/2025 02:55

Nâng cao kỹ năng, kiến thức pháp luật về hòa giải cơ sở

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở, Sở Tư pháp Hà Nội vừa phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở trên địa bàn huyện.
Ths. Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội truyền đạt kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở
Ths. Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội truyền đạt kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở

Chú trọng nâng cao năng lực hòa giải viên cơ sở

Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả mà còn là một phương thức PBGDPL thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ Nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm TTATXH, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” và Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lănh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ Nhân dân ngay tại cơ sở", trên cơ sở tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP. UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn TP.

Xác định việc hòa giải từ cơ sở giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn tại cộng đồng, thời gian qua, Sở Tư pháp Hà Nội luôn chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng các tổ hòa giải, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở.

Ths. Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội là báo cáo viên của buổi tập huấn đã truyền đạt các nội dung về kỹ năng, nghiệp vụ cho hoà giải viên ở cơ sở gồm: Kỹ năng tiếp cận thông tin về vụ việc hoà giải; kỹ năng tìm mâu thuẫn, xung đột lợi ích cốt lõi, nguyên nhân chủ yếu;

Kỹ năng tra cứu, tham khảo, vận dụng pháp luật, phong tục, tập quán, truyền thông tốt đẹp của dân tộc trong hoạt động hoà giải ở cơ sở; kỹ năng tổ chức, điều hành, kiểm soát buổi hoà giải; kỹ năng tư vấn, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục, vận động các bên tự thoả thuận dàn xếp…

Truyền đạt kỹ năng cho hòa giải viên

Để hòa giải thành công và nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở, mỗi hòa giải viên không chỉ nắm vững chính sách, thể chế pháp luật trên các lĩnh vực mà còn phải giỏi kỹ năng, chuyên nghiệp trong công tác, đặc biệt phải biết lồng ghép kỹ năng “dân vận khéo” vào trong quá trình hòa giải từng vụ việc cụ thể.

Vận dụng lý thuyết của dân vận trong công tác hòa giải ở cơ sở chính là việc tuyên truyền, vận động Nhân dân, giúp dân giải quyết những khó khăn, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống, làm cho người dân thấy quyền lợi, nghĩa vụ, thấy lợi ích hài hòa của mình trong mối quan hệ với người khác, với tập thể và xã hội. Việc “dân vận khéo” được lồng ghép trong từng kỹ năng cụ thể, từ kỹ năng lắng nghe, giao tiếp với các bên đến kỹ năng điều hành buổi hòa giải và tư vấn, hướng dẫn, vận động các bên tự thỏa thuận, dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp.

Để có thể đưa ra phương án tư vấn cho các bên mâu thuẫn, tranh chấp, hòa giải viên cần nghiên cứu kỹ vụ việc, phân tích nội dung vụ việc, nguyên nhân mâu thuẫn, tranh chấp, tính chất, mức độ tranh chấp, thái độ tâm lý của các bên tranh chấp, xác định các yêu cầu cụ thể của các bên, những nội dung nào các bên đã thống nhất được, nội dung nào còn mâu thuẫn thông qua việc tiếp xúc, lắng nghe, lấy thông tin từ hai bên tranh chấp.

Sau khi lắng nghe và ghi chép đầy đủ những nội dung chính mà các bên đã trình bày, hòa giải viên có thể khai thác thêm thông tin về vụ việc thông qua việc đặt câu hỏi cho họ. Các bên thường trình bày theo ý chí chủ quan và bỏ qua nhiều chi tiết mà họ cho là không cần thiết.

Vì vậy, hòa giải viên cần gợi ý những vấn đề để bên tranh chấp trình bày đúng bản chất của sự việc. Từ đó có thể đưa ra những lời khuyên hay tư vấn chính xác, đúng pháp luật, đồng thời giúp cảm hóa, thuyết phục được các bên tự nguyện thực hiện. Hòa giải viên nên lựa chọn và sử dụng một số dạng câu hỏi phù hợp với từng trường hợp và mục đích thông tin muốn đạt được.

Những tranh chấp phát sinh trong cuộc sống thường ngày có thể được biểu hiện dưới một hình thức cụ thể nào đó nhưng nguyên nhân sâu xa của nó có thể là những vấn đề hoàn toàn không liên quan đến nội dung tranh chấp. Nói cách khác, các bên trong quan hệ tranh chấp phát sinh có thể sử dụng hình thức tranh chấp này để giải quyết một mâu thuẫn khác.

Để tìm ra mâu thuẫn, các xung đột lợi ích cốt lõi và nguyên nhân chủ yếu của vụ việc, hòa giải viên cần liên tục đặt ra những câu hỏi tại sao lại như vậy đối với các thông tin, tình tiết của vụ việc mà mình được tiếp nhận.

Thông qua lớp tập huấn, hòa giải viên từng bước được nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, cách thức giải quyết các tình huống tranh chấp xảy ra trong Nhân dân trên địa bàn cư trú. Từ đó góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, phòng ngừa vi phạm trong cộng đồng dân cư, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Mọi vụ việc khi dùng tình cảm thì đều giải quyết được
Tỷ lệ hoà giải thành cao
Trang bị kiến thức pháp luật cho hòa giải viên
Tích cực tổ chức hội nghị, tập huấn công tác tuyên truyền PBGDPL
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động