Thứ năm 23/01/2025 06:26

Phát triển kinh tế số sâu rộng để tăng trưởng bán buôn, bán lẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo cơ quan chức năng, sau thời gian triển khai thí điểm hỗ trợ bán buôn, bán lẻ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công Thương đã thống nhất hợp tác để phối hợp với địa phương, nhà cung cấp giải pháp triển khai mở rộng trong năm tới.
Phát triển kinh tế số sâu rộng để tăng trưởng bán buôn, bán lẻ
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu tại Hội thảo

Ngày 25/12/2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phối hợp với Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo phát triển kinh tế số ngành Công Thương với chủ đề “Thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ”.

Thương mại điện tử thúc đẩy tăng trưởng bán buôn, bán lẻ

Phát biểu tại hội thảo, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm.

Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 25%, với quy mô doanh thu B2C đạt 20,5 tỷ USD. Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường bán lẻ sẽ vượt mốc 25 tỷ USD.

Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ sự lưu thông hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo số liệu khảo sát, trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/ tháng. Với thị trường gần 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, lại nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN… cho thấy tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ và 208.995 doanh nghiệp bán buôn. Trong số này, các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống và doanh nghiệp bán lẻ đang chiếm 3,91% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh và 3,19% tổng số lao động; còn doanh thu của 208.995 doanh nghiệp bán buôn chiếm khoảng 27,60% và khoảng 8,76% tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực bán buôn.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của bán buôn, bán lẻ trong phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người lao động.

"Việc hỗ trợ chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ không thể chậm trễ và cần được đẩy mạnh theo hướng đưa toàn bộ hoạt động bán buôn, các doanh nghiệp, tạp hóa, cửa hàng bán lẻ từ môi trường thực lên môi trường số để tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh số khác nhau, mang lại giá trị, hiệu quả cao hơn.", bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số có chung nhận định, chuyển đổi số trong ngành bán lẻ đang làm thay đổi nhanh chóng cách người tiêu dùng tham gia mua sắm. Mua hàng online, thanh toán online và kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên môi trường điện tử đã dần trở thành tác vụ quen thuộc trong cuộc sống hiện đại.

Tăng cường chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ngành Công Thương

Phát triển kinh tế số sâu rộng để tăng trưởng bán buôn, bán lẻ
Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ đang làm thay đổi nhanh chóng cách người tiêu dùng tham gia mua sắm

Thông tin từ Ban tổ chức, nhằm giúp doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ đẩy mạnh chuyển đổi số, tháng 9/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chọn quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) là nơi triển khai thí điểm hoạt động chính của Chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số. Mục tiêu của chương trình là lựa chọn và huy động được các nền tảng số xuất sắc tham gia, với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh; 100% doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ trên toàn quốc được tiếp cận, tham gia khảo sát, đánh giá mức độ chuyển đổi số. Cùng với đó, 100% doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ đã tham gia khảo sát, đánh giá mức độ chuyển đổi số trên toàn quốc được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số; tạo lập, cập nhật cơ sở dữ liệu về chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ trên phạm vi toàn quốc.

Đại diện phía doanh nghiệp, bà Đỗ Nhật Uyên - Công ty Misa đã chỉ ra không ít khó khăn trong chuyển đổi số như chi phí mua phần mềm, doanh nghiệp nhỏ ngại chuyển đổi; thiếu sự phối hợp với cơ quan chức năng… Vì vậy, cần có kế hoạch, lộ trình triển khai rõ ràng; thành lập các tổ liên ngành giữa chính quyền và nhà cung cấp để thuận lợi trong quá trình chuyển đổi tới doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp triển khai và các đơn vị thụ hưởng đã chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau trao đổi, đưa ra giải pháp thúc đẩy quy mô thị trường bán buôn, bán lẻ Việt Nam

Để khắc phục khó khăn tồn tại từ những đơn vị thí điểm, các chuyên gia đề xuất doanh nghiệp hỗ trợ triển khai cần tăng cường sự gắn kết giữa quản lý các cấp và doanh nghiệp với cửa hàng địa phương. Đồng thời, thay đổi phương pháp tiếp cận bằng việc tổ chức tư vấn, hỗ trợ trực tiếp tại địa bàn, vận động tham gia từ các đoàn thể địa phương, vị trí trực tiếp làm việc với địa bàn tại từng khu phố như tổ trưởng tổ dân phố, các đoàn hội... để tăng sự tin cậy, tạo lòng tin cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp khi tham gia trải nghiệm hoạt động của chương trình...

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhằm triển khai mở rộng mô hình tại doanh nghiệp, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục phối hợp và thúc đẩy triển khai với Bộ Thông tin và Truyền thông các nhiệm vụ tại Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 về Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025. Đặc biệt, sau thời gian triển khai thí điểm hỗ trợ bán buôn, bán lẻ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công Thương đã thống nhất hợp tác để phối hợp với địa phương, nhà cung cấp giải pháp triển khai mở rộng trong năm tới.

Hội thảo phát triển kinh tế số ngành Công Thương với chủ đề “Thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ” bao gồm các nội dung chính: (i) Định hướng triển khai chuyển đổi số hỗ trợ bán buôn bán lẻ tại các tỉnh thành phố trong năm 2025; (iii) giới thiệu chương trình hợp tác triển khai thúc đẩy chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ với Bộ Thông tin và Truyền thông; (iv) giới thiệu một số giải pháp công nghệ tiêu biểu hỗ trợ bán buôn, bán lẻ.

Hà Nội: đi đầu trong triển khai nhiệm vụ của Đề án 06
Khai mạc Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday 2024
Dữ liệu là nhân tố cốt lõi để thúc đẩy Hà Nội phát triển
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động