Phỗng đất - món quà trung thu từ ký ức
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCứ mỗi dịp tháng 7 âm lịch, gia đình nghệ nhân Phùng Đình Giáp (thôn Đông Khê, xã Sông Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) lại vang dền tiếng chày giã đất. Hình ảnh những cục đất thó khi được lấy từ tầng đất sau vài mét qua quá trình sàng đãi công phu, tiếp đến giã và trộn với giấy bản ngâm nước dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân được nhào nhặn thành hình con phỗng truyền thống. Một bộ phỗng Trung thu gồm có: Ông phỗng phật, ông phỗng đứng, ông phỗng ếch, chim bồ câu, con rùa. Phỗng được phơi nhiều ngày cho khô, rồi được khoác thêm một lớp điệp trắng, vẽ màu bằng loại màu làng Đông Hồ vẫn dùng vẽ tranh, gồm 5 màu ứng với thuyết ngũ hành.
Hình ảnh bộ phỗng đất – món đồ chơi dân gian dịp Tết Trung thu đã vắng bóng trên thị trường nhiều năm nay (Ảnh Mộc Miên) |
Theo lời kể của ông Phùng Đình Giáp “nghệ nhân” cuối cùng làng Hồ còn giữ nghề làm bộ phỗng Trung thu thì trong mâm cỗ Trung thu ngày xưa, ngoài mâm ngũ quả, bánh kẹo… nhất định phải có một bộ phỗng đất, đèn ông sao và một ông tiến sĩ giấy. Mâm cỗ này sau đó sẽ được bày ở sân nhà, dưới ánh trăng sáng vằng vặc để chờ trẻ con đi rước đèn trong xóm về sẽ tập trung bên mâm cỗ trông trăng, nghe ông bà, cha mẹ giảng giải về ý nghĩa của bộ phỗng đất.
Đó là ông phỗng phật ngồi ở chính giữa bộ phỗng như một lời nhắc nhở về lối sống có lương tâm, đạo đức, thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh. Đó là ông phỗng đứng tượng trưng cho người già. Ông phỗng ếch là em bé ôm bông hoa. Hình ảnh con chim bồ câu thể hiện cho khát vọng sống hòa hợp với thiên nhiên và con người. Con rùa gắn liền với sự tích thần Kim Quy – biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Bộ phỗng đất mang ý nghĩa giáo dục con cháu, luôn luôn có lương tâm đạo đức tốt, học giỏi.
Thế nhưng, món đồ chơi dân gian đúng hồn kinh Bắc xưa dường như đã vang bóng một thời và đến nay chỉ có duy nhất gia đình “nghệ nhân” Phùng Đình Giáp giữ lửa nghề. Để tiếp lửa cho món đồ chơi dân gian đến với giới trẻ, bạn Phương – người sáng lập của Lớp học Hồng Xiêm đã tổ chức sự kiện “Phỗng đất xưa – Hồn kinh Bắc” tại Hà Nội. Đến nay, lớp học vẽ Hồng Xiêm (Khu tập thể 12B, phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là “địa chỉ đỏ” nhận đơn hàng ký gửi và bày bán cho những người yêu văn hóa truyền thống.
Trong ký ức của Phương, những bức tượng phỗng đất xinh đẹp, không chỉ là đồ decor độc đáo, có 1-0-2, những bức tượng này mang cái hồn cốt dân gian Việt Nam đúng điệu, điều mà chỉ một người làm nông hồn hậu, một nghệ nhân chất phác mới có thể truyền tải được.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại