Thủ tục thay đổi nơi cư trú ra sao sau khi "khai tử" sổ hộ khẩu giấy?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrả lời cho câu hỏi trên, theo Bộ Công an, Khoản 1 Điều 20 của Luật Cư trú 2020 quy định “Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký tại chỗ ở hợp pháp đó”. Trong trường hợp người dân muốn thay đổi nơi đăng ký thường trú thì sẽ chuẩn bị các giấy tờ, thủ tục thực hiện cụ thể như sau:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
- Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại Công an xã, phường, thị trấn nơi đăng ký thường trú.
Bộ Công an cho hay, khi công dân có nhu cầu thực hiện các thủ tục liên quan đến nơi cư trú, Bộ Công an đề nghị công dân đến cơ quan Công an xã. phường, thị trấn nơi đăng ký thường trú để được hướng dẫn.
Về trình tự thực hiện thủ tục đăng ký - thay đổi thường trú, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hướng dẫn cụ thể như sau:
Bước 1: Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tại Công an cấp xã.
Bước 3: Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:
Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người đăng ký.
Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa đủ hồ sơ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện và cấp Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ cho người đăng ký.
Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì từ chối và cấp Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người đăng ký.
Bước 4: Cá nhân, tổ chức nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định.
Bước 5: Căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú (nếu có).
Người dân có 2 hình thức nộp hồ sơ là trực tiếp và trực tuyến, thời hạn giải quyết thủ tục được rút ngắn từ 15 ngày (theo quy định cũ) xuống 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Tuy nhiên, người dân cần lưu ý đối với mỗi trường hợp làm thủ tục đăng ký thường trú cần một số giấy tờ bổ sung khác, cụ thể như sau:
Trường hợp người đăng ký thường trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai thay đổi thông tin cư trú phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
Trường hợp người đăng ký thường trú là người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng; trường hợp không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng thì phải có giấy tờ, tài liệu khác chứng minh có quốc tịch Việt Nam và văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Bộ Công an.
Trường hợp người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam thì khi đăng ký thường trú lần đầu phải có Quyết định của Chủ tịch nước về việc cho nhập quốc tịch.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại