Theo Trung tá Đặng Hồng Minh – Đội phó Đội 2 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) - CATP Hà Nội: Trong thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với những phương thức, thủ đoạn tinh vi. Qua điều tra, nắm tình hình, CQCA đã phát hiện các đối tượng nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan dùng thủ đoạn dụ dỗ nhiều người dân tại các vùng giáp biên làm thẻ thanh toán quốc tế tại các ngân hàng ở Việt Nam cho chúng. Sau khi mua lại số thẻ này, bọn chúng mang sang nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Campuchia) sử dụng.
Cũng theo Trung tá Đặng Hồng Minh, các đối tượng thường gọi điện thoại thông qua mạng internet đến số máy cố định của nhà riêng hoặc cơ quan của bị hại và cho bị hại nghe các tiếng “kêu cứu” giả giọng người thân gia đình bị hại với nội dung chúng đã bắt cóc người thân của bị hại, yêu cầu phải chuyển tiền ngay cho chúng vào các tài khoản ngân hàng thì người thân mới được thả và không bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe.

Ảnh minh họa
Tin là người thân bị bắt cóc thật, bị hại không gọi điện hay liên lạc với người nhà để kiểm tra bắt cóc thật hay không mà đã vội vàng chuyển tiền cho bọn chúng. Không ít người sau khi chuyển tiền xong, biết người thân không ai bị bắt đã đến trình báo CQCA. Lúc này bọn chúng đã rút hết tiền trong tài khoản.Thủ đoạn thứ hai mà bọn chúng hay sử dụng đó là giả là lực lượng CA, VKS hoặc an ninh ngân hàng điện thoại cho bị hại thông báo tài khoản của họ bị tội phạm xâm nhập và yêu cầu họ cung cấp số tài khoản, mật mã để bảo vệ. Trong lúc gọi điện thoại, bọn này tạo âm thanh như tiếng còi hụ xe cảnh sát; tiếng cấp dưới báo cáo vụ việc tài khoản của nạn nhân bị hacker tấn công... để cho bị hại nghe thấy. Nhiều người tưởng thật mà đã cung cấp số tài khoản, mật mã thẻ tài khoản của mình cho chúng. Chúng liền chuyển hết tiền trong tài khoản của bị hại sang tài khoản của chúng để chiếm đoạt.
Trên thực tế, CQCA TP Hà Nội đã tiếp nhận không ít trường hợp sử dụng các thủ đoạn trên để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người. Chính vì vậy, theo Trung tá Đặng Hồng Minh, để hạn chế tối đa số nạn nhân của những thủ đoạn trên, CQCA khuyến cáo người dân cần quản lý và giữ bí mật các thông tin về cá nhân, số điện thoại của mỗi người, không cung cấp thông tin về đời tư, ảnh… lên các trang mạng xã hội. Khi xảy ra vụ việc, người dân cần bình tĩnh, khéo léo thuyết phục, tìm cớ trì hoãn, kéo dài thời gian để không làm theo yêu cầu của đối tượng, đồng thời kiểm tra các thông tin và báo cho CQCA xác minh giải quyết. Bên cạnh đó, lực lượng CA cần vận động nhân dân kê khai, giao nộp các vật chứng mà họ đã làm thẻ ngân hàng để bán cho các đối tượng Trung Quốc, nhất là những người dân ở khu vực giáp biên. Ngoài ra, từng cảnh sát khu vực, CA phụ trách xã phải tuyên truyền phổ biến đến từng cụm, từng hộ dân cư về phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm để họ tự phòng ngừa, phát hiện và tố giác tội phạm.