Vị thế “Kinh đô ẩm thực” của Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMỗi toa tàu của “Tuyến xe điện số 6” trong chương trình "Đêm Trúc Bạch" đưa du khách trở về những ký ức văn hóa truyền thống và ẩm thực Thủ đô thời bao cấp. Ảnh: Tuyết Linh |
Kết hợp giữa ẩm thực truyền thống và công nghệ
Cùng với nghề cốm Mễ Trì, nghề làm xôi Phú Thượng, nghề ướp trà sen Quảng An, năm 2024, Phở Hà Nội đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào của cộng đồng chủ thể và những người yêu thích ẩm thực. Sự ghi danh di sản cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để góp phần triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Phở Hà Nội”.
Những ngày qua, đã diễn ra Lễ hội văn hoá ẩm thực Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Hà Nội kết nối năm châu”, lễ hội nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Thủ đô Hà Nội, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hoá, ẩm thực, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hà Nội là điểm đến du lịch, văn hoá, ẩm thực Hà Nội như một nét di sản tinh tế, được hình thành trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.
Đây cũng là dịp để người dân Thủ đô Hà Nội và Đại sứ quán các nước, các địa phương, tổ chức, cá nhân gặp gỡ, giao lưu, trưng bày quảng bá sản phẩm, tăng cường, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại Nhân dân, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức, hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Nhân dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng với bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, chương trình “Phở Số Hà Thành” lần đầu tiên có mặt tại Lễ hội là một sáng tạo độc đáo kết hợp giữa ẩm thực truyền thống và công nghệ. Qua đó, phở truyền thống không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển, lan tỏa mạnh mẽ trong kỷ nguyên công nghệ số và là sản phẩm sáng tạo của Hà Nội trong ngành công nghiệp văn hóa.
Show trải nghiệm: “Hương Cốm” tại “Đêm Trúc Bạch” khiến du khách thích thú khi được trực tiếp làm và thưởng thức hương vị món cốm xào, bánh cốm Hàng Than đặc trưng cho sự cần cù, khéo léo, tinh tế, thanh tao của người Hà Nội. Ảnh: Tuyết Linh |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, Lễ hội văn hóa ẩm thực là cơ hội để Hà Nội cùng bạn bè quốc tế và các tỉnh, TP trong cả nước sẽ tiếp tục lan tỏa, lưu truyền và quảng bá các giá trị văn hóa, các sản phẩm đặc sản của từng vùng, địa phương, từng đất nước với đến Nhân dân và du khách. Lễ hội đã mang đến nhiều hoạt động trải nghiệm, thu hút du khách tham gia tìm hiểu các nét đẹp văn hoá, ẩm thực thủ đô Hà Nội nói riêng và sự đa dạng, phong phú của ẩm thực quốc tế nói chung. Khu vực giới thiệu sản phẩm không gian văn hóa ẩm thực tiêu biểu của các làng nghề truyền thống và các hoạt động trình diễn của các nghệ nhân.
Tại đây đã có các hoạt động tái hiện, giới thiệu quy trình thực hiện tạo nên những sản phẩm ẩm thực tiêu biểu, đặc sắc của các làng nghề truyền thống với các kỹ năng trình diễn của các nghệ nhân của Hà Nội như: phở Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây, bún Phú Đô, giò chả Ước Lễ, cốm Làng Vòng, cốm Mễ Trì, xôi, chè Phú Thượng, bánh chưng Tranh Khúc, nem Phùng, bánh dày quán Gánh, bánh tẻ Phú Nhi, cháo gõ Quảng Phú Cầu, cháo se Hạ Mỗ, miến làng So…
Phát huy tốt cho du lịch và quảng bá hình ảnh Hà Nội
Từ ngày 29/11 đến 1/12, các hoạt động quảng bá du lịch đêm tại Hà Nội với chủ đề “Đêm Trúc Bạch” đã được tổ chức tại không gian Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình). Chương trình mang đến trải nghiệm thú vị với nguồn cảm hứng từ thời bao cấp, tái hiện đời sống hàng ngày của người dân trong giai đoạn lịch sử này.
Từ ý tưởng mô hình “Tuyến tàu điện số 6” chính thức trở thành tour du lịch đêm mới của Hà Nội. Ảnh:Tuyết Linh |
Sự kiện do Sở Du lịch Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND quận Ba Đình tổ chức, nhân dịp này đã diễn ra chương trình quảng bá sản phẩm du lịch Đêm Hà Nội 2024 và công bố quyết định công nhận 3 điểm du lịch: Di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục và đảo Ngọc - Trúc Bạch, khai trương sản phẩm du lịch Tuyến tàu điện số 6. Điểm nhấn của loạt sự kiện này là hoạt động tham quan trải nghiệm Tuyến tàu điện số 6 - “Bảo tàng đường phố Hà Nội”.
Tại đây có các hoạt động trải nghiệm tương tác cộng đồng theo các chủ đề khác nhau trên 4 toa xe thuộc Tuyến tàu điện số 6. Mỗi toa tàu điện sẽ mang một chủ đề ẩm thực đặc trưng của Hà Nội và Việt Nam như: lúa - thóc - gạo, phở - bún - sợi, bếp - chạn - mâm... Các toa xe như tạo thành những chuyến tàu chuyên chở di sản, “bảo tàng thu nhỏ” về văn hóa, ẩm thực. Du khách được tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm rang cà phê củi; làm túi thơm cà phê, mô hình món ăn siêu nhỏ, tò he...
Bên cạnh đó, chương trình còn có chuỗi hoạt động trải nghiệm tương tác với sự tham gia của nhiều khách mời, thương hiệu như: nhà nghiên cứu và sản xuất Trà Shan Tuyết Cổ Thụ - Từ Quốc An; chuyên gia ẩm thực Nguyễn Phương Hải; các chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực và gặp gỡ những gia đình có thương hiệu ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội như: cốm Mễ Trì, phở Thìn Bờ Hồ, phở cuốn Hương Mai. Ngoài ra, chương trình còn có các hoạt động nghệ thuật với các vở diễn, chương trình ca nhạc với chủ đề “bao cấp” tại khu vực sân khấu chính; tái hiện đám cưới thời bao cấp; lễ hội âm nhạc ẩm thực phố bia thời bao cấp...
Các chuyên gia cho rằng, ẩm thực Hà Nội hội đủ yếu tố vật chất (chất liệu, mùi vị, màu sắc) và yếu tố tinh thần (ứng xử, giao tiếp trong ăn uống, nghệ thuật chế biến, cách trang trí…). Ẩm thực Hà Nội cũng đạt được các tiêu chí về danh tiếng, nguồn gốc, lựa chọn nguyên liệu, phương thức chế biến, cách thưởng thức và không gian thưởng thức. Do đó, những nét đặc trưng nổi bật của văn hóa ẩm thực Hà Nội không chỉ là điểm nhấn quan trọng trong hành trình phát triển, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Thủ đô...
Tôn vinh di sản “Phở Hà Nội” | |
Thúc đẩy phát triển du lịch ẩm thực Hà Nội từ công nghệ số |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại