Thứ năm 23/01/2025 08:27

Cấm tuyệt đối hay có ngưỡng về nồng độ cồn với người tham gia giao thông?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã thông tin, trả lời một số nội dung được báo chí quan tâm, trong đó có vấn đề xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Cấm tuyệt đối hay có ngưỡng về nồng độ cồn với người tham gia giao thông?
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự, hành chính (Bộ Tư pháp) Lê Thị Vân Anh trả lời tại cuộc họp báo về nồng độ cồn. Ảnh: Hồng Thái

Tại buổi họp báo, báo chí đặt câu hỏi về 2 luồng ý kiến khác nhau liên quan tới việc cấm tuyệt đối hay có ngưỡng về nồng độ cồn với người tham gia giao thông trong Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quan điểm của Bộ Tư pháp về nội dung này như thế nào?

Trả lời vấn đề này, bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có nghiêm cấm hành vi điều khiển giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (Khoản 5, Điều 6).

Về quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông, bà Lê Thị Vân Anh cho rằng việc cấm tuyệt đối hay không phải căn cứ vào các tính chất khoa học, thực tiễn và ý thức tham gia giao thông của người dân.

Trong quá trình thẩm định, Bộ Tư pháp có đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế có những nghiên cứu có tính khoa học, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phù hợp với ý thức tham gia giao thông của người dân, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật.

Cấm tuyệt đối hay có ngưỡng về nồng độ cồn với người tham gia giao thông?
Đang có 2 loại ý kiến xung quanh quy định cấm nồng độ cồn. Ảnh: B.D

Trước đó, tại phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa tháng 3/2024, cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, một trong những chính sách còn nhiều quan điểm khác nhau tại Dự thảo Luật này, đó là có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn?

Trình bày một số vấn đề lớn của Dự thảo Luật, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho biết đang có 2 loại ý kiến xung quanh quy định cấm nồng độ cồn.

Thứ nhất là đồng tình với Dự thảo Luật, tức cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Thứ hai là đề nghị cân nhắc quy định trên và cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học để đưa ra mức giới hạn thấp nhất.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho hay, 2 loại ý kiến trên đều có ưu và nhược điểm.

Với đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn, đây không phải là nội dung mới mà được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019.

Tuy nhiên, nhược điểm của đề xuất này là nghiêm khắc, tác động đến thói quen sử dụng rượu, bia của một bộ phận người dân Việt Nam; làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, ảnh hưởng nhất định đến lao động, thu nhập của những người làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn.

Với đề xuất nghiên cứu giới hạn nồng độ cồn thấp nhất, ưu điểm là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người đã sử dụng rượu, bia được điều khiển phương tiện tham gia giao thông; không làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia.

Ngược lại, việc giới hạn nồng độ cồn sẽ làm tăng số vụ tai nạn giao thông, lãng phí nguồn lực khi thời gian qua từng bước hình thành văn hóa "đã uống rượu, bia không lái xe", khó khả thi khi người uống rượu, bia không thể biết lúc nào đến "ngưỡng" để dừng lại.

Từ những nhận định trên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất 2 phương án.

Phương án 1 là cấm tuyệt đối nồng độ cồn. Phương án 2 là chỉ cấm tuyệt đối với ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng; với mô tô, xe gắn máy sẽ có ngưỡng 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 l khí thở; đồng thời sửa Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019.

Quý I/2024: xử lý vi phạm về nồng độ cồn chiếm gần 30% tổng số vi phạm Quý I/2024: xử lý vi phạm về nồng độ cồn chiếm gần 30% tổng số vi phạm
Gần 40% số vụ chống đối cảnh sát giao thông liên quan đến nồng độ cồn Gần 40% số vụ chống đối cảnh sát giao thông liên quan đến nồng độ cồn
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động