Thứ năm 23/01/2025 14:14

Linh hoạt trong chuyển giao kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở trong đại dịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với vai trò của BV tuyến trên, thời gian qua các BV tuyến trung ương đã tích cực thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho y tế tuyến cơ sở. Mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng việc chuyển giao kỹ thuật vẫn được duy trì với hình thức linh hoạt, sáng tạo.
Khóa đào tạo online của BV E tới các cơ sở y tế trong đó có nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: T.X
Khóa đào tạo online của BV E tới các cơ sở y tế trong đó có nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: T.X

Chuyển giao kỹ thuật ngay trong tâm dịch

Đối với BV Bạch Mai, khi thực hiện hỗ trợ tại TP HCM, lãnh đạo BV đã tiếp tục thực hiện kế hoạch đẩy mạnh đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các BV tuyến dưới của TP HCM gồm: BV Quận 6, BV Quận 4 và BV Y học cổ truyền.

Theo đó, BV Bạch Mai có nhiệm vụ phát triển hệ thống Hồi sức tích cực, đào tạo cho các BV từ cấp cứu, thở máy cơ bản cho đến nâng cao. Trong thời gian phù hợp các BV bố trí được, BV Bạch Mai sẽ đào tạo trực tiếp tại các BV hay tại Trung tâm Hồi sức tích cực trực thuộc BV Bạch Mai theo hình thức cầm tay chỉ việc. Các BS sẽ có nhiều cơ hội được trực tiếp học các thủ thuật được tiến hành trong hồi sức tích cực như lấy khí máu, đặt ống nội khí quản, kể cả hồi sức nâng cao như ép tim, bóp bóng, sốc điện, hay những vấn đề liên quan đến thở máy.

TS-BS Hoàng Việt Anh, PGĐ Trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến, BV Bạch Mai chia sẻ: Ngoài việc hỗ trợ, đào tạo và hợp tác với các BV vệ tinh, chúng tôi tích cực tổ chức các lớp cấp chứng chỉ, cấp cứu hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 cho các BV vệ tinh, các chương trình đào tạo chuyên đề bằng hình thức trực tuyến cũng như tại chỗ với các giảng viên là các chuyên gia đầu ngành tại BV Bạch Mai.

Trong giai đoạn hoạt động, ngoài các hoạt động chuyên môn, Trung tâm đã tiến hành các hoạt động đào tạo và chỉ đạo tuyến: 30 buổi đào tạo chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 và các chuyên môn liên quan cho 10.000 lượt học viên tại các BV vệ tinh, tại TP HCM, tại Trung tâm và các đơn vị khác; 3 lớp cấp chứng chỉ Hồi sức cấp cứu cơ bản người bệnh Covid-19 và Kiểm soát nhiễm khuẩn; 10 lớp cầm tay chỉ việc tại Trung tâm về: Hồi sức cấp cứu, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Phục hồi chức năng; Thực hiện chuyển tuyến, hội chẩn, đi buồng, cầm tay chỉ việc, hỗ trợ tại chỗ cho 4.000 lượt cán bộ y tế, 6.000 lượt bệnh nhân nặng tại các đơn vị vệ tinh.

Đối với BV Hữu nghị Việt Đức, khi tham gia chống dịch đoàn chuyên gia cũng đã tham gia chuyển giao kỹ thuật cho tuyến cơ sở một cách hiệu quả. Theo GS.Trần Bình Giang, GĐ BV Hữu nghị Việt Đức, ngoài việc điều trị và chăm sóc các bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid tại TP HCM, các thầy thuốc và nhân viên y tế của BV Hữu nghị Việt Đức còn phát huy thế mạnh đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cũng như chuyển giao các kỹ thuật cao về hồi sức tích cực như lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc phân công các BV tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 trên các địa bàn quận/huyện/thành phố tại TP HCM, Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc BV Hữu nghị Việt Đức phụ trách chuyên môn đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế của huyện Bình Chánh và quận Bình Tân.

Đào tạo theo hình thức trực tuyến

Sau khi hỗ trợ TP HCM chống dịch trở về Hà Nội, đầu tháng 11 đoàn công tác của BV Bạch Mai lại tiếp tục lên đường chi viện cho Tây Nguyên chống dịch. Đoàn BS đang ứng trực tại Đắk Lắk đã tổ chức khóa đào tạo theo hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến về “Hồi sức cấp cứu cơ bản trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19” cho hơn 200 BS, điều dưỡng công tác tại các BV, trung tâm y tế trên toàn tỉnh Đắk Lắk.

Tương tự, tại BV E, Trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến, BV E đã khai giảng các lớp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo công tác chỉ đạo tuyến và đề án 1816 năm 2021 cho các đơn vị y tế tuyến cơ sở từ tỉnh đến huyện, trong đó có không ít cơ sở y tế tuyến huyện vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn… Chương trình gồm 9 lớp đào tạo và 3 gói chuyển giao kỹ thuật theo đề án 1816 như lớp nội soi tiêu hóa, lớp nâng cao năng lực chẩn đoán bệnh cơ xương khớp và tiêm khớp ngoại vi, lớp thận nhân tạo, phục hồi chức năng, tiêu sợi huyết, tán sỏi laser nội soi ống mềm…

TS.BS Nguyễn Công Hựu - GĐ BV E khẳng định: Mặc dù dịch bệnh đã ảnh hưởng tới công tác chỉ đạo tuyến, đề án 1816. Tuy nhiên, BV E cố gắng khắc phục khó khăn, tiến hành mới các lớp đào tạo nhằm cập nhật kiến thức và chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở tuyến dưới để người dân được hưởng lợi. Đây cũng là lần đầu tiên BV E tiến hành khai giảng bằng trực tuyến các lớp học này.

Khóa đào tạo có sự tham gia của gần 100 học viên gồm BS, điều dưỡng, kỹ thuật viên thuộc nhiều cơ sở y tế tham gia chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo công tác chỉ đạo tuyến và đề án 1816 năm 2021 của BV E, trong đó có nhiều tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa của Thanh Hóa, Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên....

Trong đợt dịch thứ 4 này, khi các tỉnh miền Nam trở thành tâm dịch với số ca mắc bùng phát, số tử vong nhiều, các đoàn y tế của nhiều địa phương đã đến hỗ trợ, chi viện nhằm giảm tải cho cán bộ, nhân viên y tế. Ngoài việc chia sẻ, hỗ trợ công việc với các đồng nghiệp thì các chuyên gia của BV tuyến trung ương đã tận dụng thời gian để tranh thủ kết hợp chuyển giao kỹ thuật cho cơ sở, cho BV vệ tinh của mình.
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động