Thứ năm 23/01/2025 20:15

Từ clip chồng đánh vợ ở Đà Nẵng: Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật là rất cần thiết

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, dư luận bàng hoàng, phẫn nộ trước clip kéo dài cả chục phút được chia sẻ trên mạng xã hội ghi lại cảnh người chồng đánh vợ ở Đà Nẵng.
Từ clip chồng đánh vợ ở Đà Nẵng: Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật là rất cần thiết
Chồng đánh vợ ở Đà Nẵng. Ảnh: cắt từ clip

Chồng đánh vợ ở Đà Nẵng: Phần nổi của tảng băng chìm

Theo đó, hình ảnh camera được đưa lên mạng xã hội đã ghi lại cảnh người chồng đánh vợ ở Đà Nẵng. Cơ quan chức năng đã xác minh, anh N.T, trú tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) ra tay đập đánh vợ là chị B.P, 33 tuổi, ngay trong ngôi nhà mình và trước mặt con.

Đoạn video cho thấy, chị P đã bỏ chạy xuống tầng trệt nhưng vẫn bị anh T đuổi theo. Anh T liên tục đấm, đá chị P cho đến khi chị ngã gục. Người xem tiếp tục sốc khi thấy chị P nằm bất tỉnh, nhưng anh T bình thản đứng bấm điện thoại. Thậm chí khi chị P gượng đứng dậy, lại bị người chồng ra tay đánh đập dã man, mặc cho chị P la hét thất thanh...

Tiếp nhận thông tin, Công an quận Liên Chiểu phối hợp với công an phường đã vào cuộc xác minh.

Theo thông tin ban đầu, sự việc xảy ra ngày 4/4 và chị P phải nhập viện vì gãy kín xương trụ tay trái, tổn thương nặng tay phải cùng nhiều vết thương khác. Sau khi nhập viện, chị P được phẫu thuật, sau đó được xuất viện về phòng trọ của mẹ ruột.

Cơ quan công an đã lấy lời khai của chị P và anh T, đồng thời trưng cầu giám định thương tích của nạn nhân để tiếp tục xử lý vụ việc.

Những video clip tương tự như vụ việc vừa qua xảy ra ở Đà Nẵng không phải hiếm xảy ra. Thậm chí, nhiều việc còn diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, ngay giữa khu vui chơi công cộng.

Đơn cử như 1 clip gây xôn xao mạng xã hội được đăng tải vào hồi tháng 9/2019. Đoạn clip ghi lại cảnh một người chồng sử dụng vũ lực với vợ ngay giữa khu vui chơi dành cho trẻ em. Hình ảnh ghi lại trong đoạn clip ngắn cho thấy sau khi hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, người đàn ông bất ngờ đẩy vợ xuống hồ nước sau đó dùng sức ghì mạnh vợ dìm xuống nước nhiều lần. Thậm chí người đàn ông này còn đưa tay bóp cổ vợ.

Khi thấy vợ có ý định chạy lên bờ, người đàn ông này lại túm cổ vợ, dìm xuống nước một lần nữa. Sau một hồi giằng co, người vợ đã chạy thoát lên bờ. Nhưng người chồng vẫn chưa dừng lại, anh ta lên bờ và tiếp tục chửi bới, mắng mỏ vợ. Thậm chí đưa tay tát thẳng vào mặt vợ, dùng cùi chỏ đánh vào gáy vợ. Đáng nói, mọi chuyện xảy ra trước sự chứng kiến của đứa con nhỏ.

Sự việc sau đó được cơ quan chức năng xác nhận, địa điểm xảy ra tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh.

Những clip như vụ đánh vợ ở Đà Nẵng hay clip ở Tây Ninh là 2 trong số rất ít những clip bạo hành vợ xuất hiện trên mạng xã hội. Và những vụ được phanh phui nhờ các clip đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của vấn nạn này. Còn rất nhiều người phụ nữ bị chồng đánh đập, bạo hành trong gia đình không bao giờ xuất hiện trên một clip hay góc quay nào.

Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật là rất cần thiết

Theo kết quả điều tra quốc gia năm 2021, 32% phụ nữ bị chồng bạo lực về thể xác hoặc bạo lực tình dục; 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả còn cho thấy, năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất là do tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội hiện nay; nguyên nhân tiếp theo gây nên tình trạng bạo lực gia đình chính là sự cam chịu từ phía nạn nhân, mà cụ thể nhất là phía người vợ và những đứa trẻ. Một nghiên cứu xã hội học cho thấy, nhiều trẻ em có biểu hiện bất thường về tâm lý thì đã hết 25% nguyên nhân là do hệ lụy của nạn bạo lực gia đình.

Trong số 39% phụ nữ cho biết từng chịu bạo lực gia đình có đến 76% thường bị đe doạ nguy hiểm, 79% thường bị đá, kéo lê, đánh đập nhiều lần, 75% nhiều lần bị chồng ép quan hệ tình dục, 86% thường bị xúc phạm.

Nhiều vụ bạo lực gia đình dẫn đến những cái chết đau lòng của phụ nữ và trẻ em, gây bức xúc trong xã hội. Mặc dù pháp luật trừng trị rất nghiêm những trường hợp vi phạm, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng vẫn coi thường pháp luật.

Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung pháp luật là rất cần thiết nhằm phòng ngừa, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

Từ clip chồng đánh vợ ở Đà Nẵng: Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật là rất cần thiết
Tổng đài điện thoại quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình số 111

Tháng 11/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, thay thế Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007. Tại Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định các tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình sẽ được tiếp nhận theo các địa chỉ: UBND cấp xã - nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Cơ quan công an, đồn biên phòng gần nơi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra nhất; Trường học nơi người bị bạo lực gia đình học tập tại đấy; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra; Người đứng đầu tổ chức chính trị, xã hội cấp xã nơi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra; Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Như vậy có thể thấy, một trong những nội dung đáng chú ý của Luật là quy định về Tổng đài điện thoại quốc gia phòng chống bạo lực gia đình. Việc Tổng đài điện thoại quốc gia phòng chống bạo lực gia đình được luật hóa sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người bị bạo lực gia đình giải quyết vấn đề bạo lực đã và đang xảy ra với họ.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình
Người bạo lực gia đình có thể phải làm công việc phục vụ cộng đồng
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động