Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Ngày 5/2 (mùng 8 tháng Giêng Âm lịch) lễ hội làng Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) diễn ra đặc sắc nhất với màn kiệu "bay". Ảnh: Khánh Huy |
Coi trọng văn hóa
Để tiếp tục tạo bước đột phá trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu sớm đưa ngành CNVH Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, có thể đóng góp đến 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP (vào năm 2030) và 10% GRDP của TP (đến năm 2045).
Việc ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô, thể hiện sự đổi mới về tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng bộ TP nhằm thích ứng với xu thế phát triển văn hóa của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Những thay đổi tích cực về thể chế chính sách, đặc biệt là chính sách kinh tế trong văn hóa và khuyến khích sự tham gia của các thành phần sở hữu, sự đầu tư vốn trong, ngoài nước, CNVH của Thủ đô đã dần hình thành, thúc đẩy thị trường CNVH của Thủ đô.
Trong đó, Hà Nội tập trung phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, có sức hút trên cơ sở phát huy được giá trị của di sản văn hóa đã tạo được sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước như: không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; phố bích họa Phùng Hưng, phố sách Hà Nội, xe buýt hai tầng gắn với việc khám phá các di sản văn hóa khu phố cổ; chương trình biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”; không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn; điểm du lịch thưởng thức trà sen Quảng An...
Một số làng nghề được đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hệ thống biển chỉ dẫn, xây dựng khu trung tâm giới thiệu làng nghề, xây dựng các hoạt động trải nghiệm cho khách tham quan, bồi dưỡng kiến thức làm du lịch cho người dân địa phương, trở thành điểm du lịch hấp dẫn như huyện Thường Tín với làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân; huyện Gia Lâm với làng nghề gốm Bát Tràng; quận Hà Đông với làng nghề lụa Vạn Phúc...
Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô) áp dụng với cơ quan quản lý Nhà nước thuộc TP Hà Nội. Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý đối với trung tâm công nghiệp văn hóa. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Dự thảo Nghị quyết nêu 6 nguyên tắc thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa:
Bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ và phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô.
Việc lập quy hoạch trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phải phù hợp với quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch đê điều và các quy hoạch khác có liên quan.
Kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm độc đáo phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo", quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.
Tạo môi trường để các nghệ sĩ, nhà sáng tạo thể hiện ý tưởng đổi mới, sáng tạo và phát triển sản phẩm văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa.
Kết hợp nguồn lực nhà nước và tư nhân để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản phẩm văn hóa; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững. Hiệu quả đầu tư được tính toán hài hoà, dài hạn trên tổng thể lợi ích của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và lợi ích của toàn xã hội.
Bảo đảm công khai, minh bạch; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
![]() |
Múa Giảo Long được biểu diễn ở sân đình làng Lệ Mật, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
Về đầu tư thành lập trung tâm công nghiệp văn hoá sử dụng ngân sách Nhà nước, dự thảo quy định:
UBND cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng trung tâm công nghiệp văn hoá trong các trường hợp sau đây: Thực hiện dự án đầu tư công có sử dụng đất để xây dựng trung tâm công nghiệp văn hoá tại khu vực bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa theo quy hoạch được phê duyệt; đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình tài sản công có sẵn để sử dụng làm trung tâm công nghiệp văn hoá theo quy hoạch được phê duyệt. UBND TP thành lập đơn vị sự nghiệp công lập hoặc nhượng quyền cho doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa để quản lý, vận hành hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hoá đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này.
Đơn vị sự nghiệp công lập được quyền thực hiện việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đối với công trình, hạng mục công trình của trung tâm công nghiệp văn hoá theo quy định của Nghị quyết số 28/2024/NQ-HĐND ngày 19/11/2024 của HĐND TP Hà Nội quy định việc sử dụng tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Doanh nghiệp, hợp tác xã được nhượng quyền khai thác, quản lý trung tâm công nghiệp văn hóa theo quy định của Nghị quyết số 27/2024/NQ-HĐND ngày 19/11/2024 của HĐND TP quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội.
Về trình tự, thủ tục thành lập đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định của Chính phủ, quy định của HĐND TP về thành lập đơn vị sự nghiệp công lập: trình tự, thủ tục về đầu tư công, đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình tài sản công được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, định vị các lĩnh vực CNVH ở Hà Nội không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng danh tiếng và thương hiệu của TP, tạo ra cơ hội việc làm và thu hút du khách.
Cùng với đó, việc xây dựng cơ chế thuận lợi cho phát triển các ngành CNVH ở Hà Nội là một bước quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững và tạo ra sự đa dạng kinh tế. Qua việc tận dụng và phát triển nguồn tài nguyên văn hóa đặc biệt, cung cấp hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, sáng tạo, hợp tác, Hà Nội có thể trở thành một trung tâm CNVH đáng chú ý, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của địa phương và đem lại lợi ích lan tỏa cho đất nước.
Những năm qua, nhận thức của lãnh đạo và Nhân dân Thủ đô về văn hóa đã có chuyển biến vượt bậc. Sự thay đổi nhận thức diễn ra ở các cấp, trong đội ngũ lãnh đạo và trong lòng dân. Thủ đô Hà Nội thực sự đang đi đầu trong phát triển văn hóa nói riêng và CNVH nói chung. Bước tiến vượt bậc ấy thể hiện qua việc nhiều chỉ thị, kế hoạch, hội thảo về xây dựng văn hóa, CNVH, người Hà Nội liên tục được triển khai.
|
![]() | Chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai thi hành Luật |
![]() | Phổ biến Luật Thủ đô tới mọi tầng lớp Nhân dân |
![]() | Đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại