Phân vùng chức năng để quản lý, khai thác không gian ngầm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBãi xe ngầm khu đô thị Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Khắc Hạnh |
Xây dựng trong không gian ngầm phải căn cứ vào quy hoạch
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tích cực chỉnh lý, hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới. Với việc sửa đổi toàn diện, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, trong đó có các quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Theo dự thảo Luật mới nhất, việc quản lý và sử dụng không gian ngầm tại các đô thị, khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô tuân theo các nguyên tắc: dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo, thủy văn; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh; bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; việc xây dựng công trình ngầm phải thực hiện theo dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại đến việc sử dụng đất của người sử dụng đất trên bề mặt của công trình ngầm phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định không gian ngầm phải phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Việc xây dựng công trình ngầm phải được cấp phép theo quy định. Đồng thời, đầu tư xây dựng công trình trong không gian ngầm dùng chung hoặc không gian ngầm khu vực TOD phải căn cứ vào quy hoạch chi tiết.
Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm theo dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư sử dụng vào mục đích kinh doanh phải nộp tiền thuê không gian ngầm. Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình ngầm được cấp chứng nhận quyền sở hữu đối với công trình ngầm dưới mặt đất và thực hiện quyền của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự.
Chính phủ quy định chi tiết các khoản 3, 4, 5 và 6 của Điều 19. Đồng thời, UBND TP Hà Nội ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng.
Phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử
Về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định khi thực hiện các dự án cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị phải gắn với bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị để phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử. Đồng thời, thực hiện lộ trình giãn dân ở khu vực nội đô lịch sử gắn với cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ, HĐND TP Hà Nội quy định hỗ trợ cá nhân, tổ chức cải tạo, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị; hỗ trợ cá nhân, tổ chức đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết nhà ở cũ tại phố cổ, phố cũ theo quy chế quản lý kiến trúc và thiết kế đô thị; hỗ trợ kiểm định chất lượng công trình; cơ chế hỗ trợ đền bù tái định cư, di dời, chuyển đổi nghề nghiệp; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng có giá trị văn hóa, lịch sử để tu bổ, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị.
UBND TP Hà Nội ban hành quy chế quản lý biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị, bao gồm: điều kiện, yêu cầu, biện pháp tu bổ, phục hồi, bảo tồn, quản lý, khai thác, sử dụng biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị. Đồng thời, thành lập và quy định tổ chức, hoạt động của Quỹ Bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị để thực hiện tu bổ, phục hồi, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị, ô phố, tuyến phố đặc trưng có giá trị văn hóa, lịch sử.
Quỹ Bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị của Thủ đô là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; được ngân sách Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ. Quỹ Bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị của Thủ đô hoạt động theo các quy định: quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật; nguồn thu của Quỹ được hình thành từ nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, vốn ủy thác của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
Các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách Nhà nước; các khoản đóng góp của chủ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới; nhiệm vụ chi của Quỹ là hỗ trợ cho chương trình, dự án, hoạt động phi dự án liên quan đến bảo tồn, hỗ trợ người dân để thực hiện tu bổ, phục hồi, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị, ô phố, tuyến phố đặc trưng có giá trị văn hóa, lịch sử.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại