Thứ ba 06/05/2025 05:11

Bị điện giật, người thợ điện thoát cảnh cắt cụt chi nhờ xử trí kịp thời

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bỏng điện có thể âm thầm phá hủy mô từ bên trong dù bề mặt da còn tương đối bình thường. Trường hợp bệnh nhân là thợ điện 37 tuổi may mắn được cấp cứu đúng phác đồ đã giúp bảo tồn được chức năng bàn tay sau tai nạn nghề nghiệp.
Bị điện giật, người thợ điện thoát cảnh cắt cụt chi nhờ xử trí kịp thời
Bác sĩ kiểm tra vết thương của bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho một bệnh nhân nam bị bỏng điện nghiêm trọng ở tay phải. Bệnh nhân T.V.T, 37 tuổi, làm nghề thợ điện, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh và không có bệnh lý nền. Trong quá trình sửa chữa hệ thống điện, anh bất ngờ gặp sự cố phóng điện khiến tay phải bị cháy đen. Ngay lập tức, đồng nghiệp đã đưa anh đến cấp cứu. Khi nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định nhưng tâm lý hoảng loạn.

Tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ ghi nhận vùng tay phải có dấu hiệu bỏng cháy xém, chưa phát hiện rối loạn nhịp tim hoặc ngừng tuần hoàn. Tuy nhiên, với đặc thù của bỏng điện có thể gây tổn thương mô sâu nghiêm trọng mà bề mặt da vẫn gần như bình thường, bệnh nhân được xếp vào nhóm nguy cơ cao và chuyển ngay tới chuyên khoa điều trị Tạo hình để theo dõi chuyên sâu.

TS.BS Dương Mạnh Chiến – chuyên gia phẫu thuật tạo hình và vi phẫu đánh giá: "Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, chúng tôi ghi nhận men cơ của bệnh nhân có tăng nhẹ – dấu hiệu cho thấy có hoại tử cơ, nhưng mức độ chưa đến ngưỡng nguy hiểm. Đây là tín hiệu tích cực, có thể do bệnh nhân đã kịp rút tay khi bị phóng điện, hạn chế phần nào tổn thương mô sâu".

TS.BS Dương Mạnh Chiến cũng lưu ý, diễn biến bỏng điện thường không rõ ràng ngay từ đầu, hoại tử cơ, tắc mạch và nhiễm trùng mô sâu có thể âm thầm xảy ra sau vài ngày. Vì vậy, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ các chỉ số sinh hóa, lượng nước tiểu và điện tim liên tục. Đồng thời, bệnh nhân được điều trị tích cực bằng truyền dịch để thải độc cơ, sử dụng kháng sinh sớm phòng ngừa nhiễm trùng.

Theo TS.BS Dương Mạnh Chiến, bỏng điện có cơ chế tổn thương khác biệt hoàn toàn so với bỏng nhiệt. Nếu bỏng nhiệt (nước sôi, dầu, lửa…) chủ yếu gây tổn thương lớp da ngoài với biểu hiện rộp nước, bong da rõ rệt, thì bỏng điện lại phá hủy từ bên trong – làm tổn thương cơ, gân, mạch máu và cả xương. Bề mặt da nhiều khi không bị tổn thương nặng khiến người bệnh dễ chủ quan.

"Dòng điện thường đi qua cơ thể theo đường ngắn nhất, gây tổn thương sâu suốt theo đường đi, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ngừng tim đột ngột do tác động lên hệ thống dẫn truyền tim" - bác sĩ Dương Mạnh Chiến giải thích.

Diễn biến của bỏng điện phức tạp và thầm lặng với các nguy cơ lớn như suy thận cấp (do giải phóng myoglobin từ cơ hoại tử vào máu), sốc bỏng, nhiễm trùng huyết và mất chức năng chi thể do hoại tử lan rộng. Đây là những biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong hoặc cần phải cắt cụt chi thể nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách.

Hiện tại, sau quá trình theo dõi sát, bệnh nhân may mắn không cần phải phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử. Bàn tay đang hồi phục tốt nhờ điều trị nội khoa và tiếp tục được theo dõi chức năng vận động để xây dựng kế hoạch phục hồi tối ưu.

TS.BS Dương Mạnh Chiến nhấn mạnh: "Trong bỏng điện, xử trí sớm và theo dõi sát diễn biến hoại tử mô là yếu tố sống còn. Khi có dấu hiệu hoại tử, bác sĩ cần chủ động cắt lọc mô chết để tránh lan rộng và nhiễm trùng nặng".

Từ trường hợp thực tế này, TS.BS Dương Mạnh Chiến cảnh báo: chỉ một giây bất cẩn khi làm việc với điện có thể để lại hậu quả lâu dài. Bỏng điện, khác với bỏng nhiệt, có thể âm thầm hủy hoại cơ thể từ bên trong trước khi người bệnh nhận biết. Vì vậy, mọi trường hợp nghi ngờ bỏng điện, dù tổn thương ngoài da nhẹ, cần được đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để theo dõi và xử trí kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm, chỉ đạo điều trị tốt nhất cho bệnh nhi bị tai nạn ở Nam Định
Hiểm họa từ thói quen tự chữa bệnh và chủ quan trong điều trị
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động