Cần cảnh giác với triệu chứng đầy bụng, chán ăn kéo dài
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Bác sĩ thực hiện can thiệp nội soi xử lý khối bã thức ăn cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC |
Bã thức ăn dạ dày (bezoar) - hiện tượng tích tụ thức ăn thành khối rắn hoặc bán rắn trong dạ dày - tuy hiếm gặp nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Điều này được minh chứng qua trường hợp của bệnh nhân T.T.X, 65 tuổi, sống tại Đông Anh, Hà Nội, vừa được điều trị thành công tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo đó, bệnh nhân X đến Trung tâm Nội soi Tiêu hóa và Thăm dò chức năng với các triệu chứng đau bụng, đầy bụng, chán ăn kéo dài nhiều ngày. Qua nội soi dạ dày, các bác sĩ phát hiện một khối bã thức ăn kích thước khoảng 4x4 cm trong dạ dày. Theo bệnh sử, nguyên nhân hình thành khối bã có thể do bệnh nhân có răng yếu và thói quen ăn những thực phẩm khó tiêu, đặc biệt là các loại trái cây có nhựa - những hợp chất mà dạ dày khó phân hủy.
Ê-kíp y tế của Trung tâm đã tiến hành can thiệp nội soi, loại bỏ hoàn toàn khối bã ra khỏi dạ dày. Thủ thuật diễn ra thuận lợi, an toàn, giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn, loét hoặc thủng dạ dày - những tình trạng có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Sau can thiệp, bệnh nhân hồi phục tốt.
TS.BS Trần Thanh Hà, Quyền Giám đốc Trung tâm Nội soi Tiêu hóa và Thăm dò chức năng cho biết, bã thức ăn dạ dày có thể hình thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Những nguyên nhân phổ biến bao gồm việc ăn nhiều thực phẩm xơ cứng, trái cây chứa nhựa khó tiêu như măng, rau sống, gân bò, các loại trái cây xanh như hồng, hoặc do nuốt phải tóc, thuốc, sữa đông. Đây là tình trạng diễn tiến âm thầm, dễ bị bỏ qua do các triệu chứng thường mơ hồ, nhưng nếu không được phát hiện sớm, khối bã có thể gây tổn thương niêm mạc, dẫn đến viêm loét, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí thủng dạ dày.
Những người có nguy cơ cao bao gồm phụ nữ, người cao tuổi có chức năng nhai kém, bệnh nhân đái tháo đường bị rối loạn vận động dạ dày, người từng phẫu thuật can thiệp vào dạ dày, và những người thường xuyên ăn thực phẩm khó tiêu hoặc trái cây xanh. Trẻ nhỏ hoặc người có rối loạn hành vi như ăn tóc, ăn đất cũng có nguy cơ cao.
Các triệu chứng cảnh báo thường không rõ ràng, bao gồm đầy bụng, buồn nôn sau ăn, cảm giác khó tiêu, đau âm ỉ vùng thượng vị, ăn uống kém và sút cân. Khi khối bã phát triển mà không được xử lý, bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng nôn nhiều, tắc nghẽn tiêu hóa hoặc xuất huyết tiêu hóa cấp tính - những tình trạng đòi hỏi can thiệp y tế khẩn cấp.
TS.BS Trần Thanh Hà khuyến cáo người dân nên duy trì thói quen ăn uống khoa học: ăn chín, nhai kỹ, uống đủ nước và vận động nhẹ nhàng sau bữa ăn để phòng ngừa hình thành bã thức ăn trong dạ dày. Người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền về tiêu hóa cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm nhiều xơ cứng hoặc trái cây xanh. Với những người mắc bệnh tiêu hóa mạn tính, việc theo dõi định kỳ và điều trị ổn định là vô cùng quan trọng. Phụ huynh cũng cần chú ý phát hiện và ngăn ngừa các hành vi ăn uống bất thường ở trẻ nhỏ.
"Quan trọng nhất, người dân không nên xem nhẹ những triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài. Khi có biểu hiện đầy bụng, ăn uống kém, buồn nôn sau ăn nhiều ngày không rõ nguyên nhân, cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa để được nội soi, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Sự can thiệp đúng lúc có thể giúp người bệnh tránh được những biến chứng nặng nề, bảo vệ sức khỏe lâu dài" - TS.BS Trần Thanh Hà nhấn mạnh.
![]() | Cứu sống bệnh nhân bị thủng ruột do viên sỏi "bắn" vào bụng |
![]() | Cứu sống bệnh nhi đuối nước không có người thân đi cùng |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại