Công nghiệp văn hóa giúp Hà Nội hoàn thành những mục tiêu phát triển Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Một tiết mục biểu diễn tại Festival Thu Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
Bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô
Theo Điều 4 Dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hoá (thực hiện khoản 7, Điều 21 Luật Thủ đô) đang được TP Hà Nội lấy ý kiến Nhân dân, nguyên tắc thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa là phải bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ và phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô; việc lập quy hoạch trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phải phù hợp với quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch đê điều và các quy hoạch khác có liên quan; kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm độc đáo phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo", quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, việc thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa sẽ tạo môi trường để các nghệ sĩ, nhà sáng tạo thể hiện ý tưởng đổi mới, sáng tạo và phát triển sản phẩm văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa; kết hợp nguồn lực nhà nước và tư nhân để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản phẩm văn hóa; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân;…
Điều đó cho thấy Hà Nội đã, đang và tiếp tục có những chiến lược mang tính thời đại, tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là khi Hà Nội đang phấn đấu mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm TP có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu, có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các TP trong khu vực; là "Thành phố sáng tạo" có sức ảnh hưởng của khu vực Đông Nam Á, phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của TP.
Mục tiêu đến năm 2045, Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo" của châu Á, TP kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế, hình thành một số công trình văn hóa mới cho Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới, phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của TP.
Thạc sĩ Trần Dũng Hải (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết, trong lịch sử và hiện tại, Thủ đô Hà Nội đã đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt, định hình và phát triển văn hóa đối với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực và trên cả nước. Thạc sĩ Trần Dũng Hải lấy dẫn chứng, về văn hóa truyền thống, Hà Nội là trung tâm văn hóa lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử độc đáo. Với vị trí là Thủ đô, Hà Nội đã duy trì và phát triển các nét văn hóa đặc trưng truyền thống như văn học, nghệ thuật, âm nhạc và văn hóa dân gian. Sự phong phú và đa dạng của văn hóa Hà Nội đã truyền cảm hứng và tác động các tỉnh thành khác, thúc đẩy sự phát triển và bảo tồn văn hóa địa phương.
Trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, Hà Nội có nhiều di sản văn hóa quan trọng, như khu phố cổ Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Gươm hay những ngôi đền, ngôi chùa khác. "Sự tôn trọng và bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội trở thành động lực cho các tỉnh thành khác trong việc bảo tồn và phát triển di sản của họ. Nhiều TP khác đã học tập Hà Nội để thúc đẩy du lịch văn hóa và tạo ra nguồn thu kinh tế từ di sản của mình", thạc sĩ Trần Dũng Hải nhấn mạnh.
![]() |
Lễ hội Đình Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Khánh Huy |
Về văn hóa đô thị hiện đại, thạc sĩ Trần Dũng Hải cho rằng, Hà Nội không chỉ giữ được bản sắc văn hóa truyền thống mà còn phát triển thành một đô thị hiện đại với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng. Các sự kiện văn hóa, triển lãm, festival và các hoạt động nghệ thuật diễn ra thường xuyên tại Hà Nội đã tạo ra một sân chơi và không gian giao lưu văn hóa cho các tỉnh thành khác. Các TP khác đã nhìn đến Hà Nội như một hình mẫu để xây dựng, phát triển các sự kiện và hoạt động văn hóa trong khu vực của họ.
Công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá
Theo tiến sĩ Phạm Đắc Thi và tiến sĩ Trịnh Thúy Hương (Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội), để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục và lâu dài, không ngừng được bổ sung và hoàn thiện trong quá trình phát triển. Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP.
Trong nội dung Dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hoá (thực hiện khoản 7, Điều 21 Luật Thủ đô) nêu rõ, lĩnh vực hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa bao gồm quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa.
Tiến sĩ Phạm Đắc Thi cho rằng, với vai trò là cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội cần bám sát nhiệm vụ và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh; tập trung đào tạo các ngành nghề như đao diễn, nhà sản xuất, biên kịch, nhà lý luận phê bình, quay phim, thiết kế mỹ thuật, kỹ thuật công nghệ, diễn viên; bồi dưỡng nâng cao chuyên môn cho các giảng viên ở trong và ngoài nước; khuyến khích các nhà biên kịch, đạo diễn, phát huy tối đa tính sáng tạo trong quá trình xây dựng tác phẩm điện ảnh.
Đối với ngành nghệ thuật biểu diễn, cần phát triển thị trường cho các tác phẩm sân khấu, âm nhạc, các chương trình biểu diễn. Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc, kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại, tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng cao, thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật truyền thống. Nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo như đạo diễn, biên kịch, diễn viên, họa sĩ thiết kế sân khấu, nhà sản xuất, người mẫu, người dẫn chương trình,... và mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực.
Tiến sĩ Phạm Đắc Thi cho biết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn về đào tạo nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, truyền hình, nhiều năm qua, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội đã đẩy mạnh và không ngừng hợp tác quốc tế trong đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, cán bộ nghiên cứu và sinh viên có cơ hội được học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, phương pháp đào tạo,...
![]() |
Vở nhạc kịch "Lửa từ đất" về ông Nguyễn Ngọc Vũ - Bí thư Thành ủy chính thức đầu tiên của Đảng bộ TP Hà Nội để lại những dấn ấn đậm nét trong lòng khán giả |
Trong lĩnh vực thời trang, theo tiến sĩ Trịnh Thúy Hương, Hà Nội cần thu hút các chuyên gia thời trang ở nước ngoài tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và sinh viên ngành thiết kế, thử nghiệm về kinh doanh thời trang,...
Đối với nhiếp ảnh, cần sưu tập các bộ sưu tập hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nhằm quảng bá văn hóa và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch và giao lưu quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra các tác phẩm nhiếp ảnh hấp dẫn, đa dạng, góp phần đưa nhiếp ảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với nhiếp ảnh khu vực và thế giới.
"Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần có sự nhận thức và đồng lòng của toàn xã hội, trong đó có những mũi nhọn được đầu tư, quan tâm là các nhân lực chất lượng cao được đào tạo bởi các trường đại học. Chỉ có như vậy mới có thể làm cho công nghiệp văn hóa nói riêng và văn hóa nói chung thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", tiến sĩ Trịnh Thúy Hương nhấn mạnh.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại